Khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận tham gia góp ý nhiều nội dung thiết thực nhằm hoàn thiện một số dự án luật.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 17/5, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận tham gia góp ý nhiều nội dung thiết thực nhằm hoàn thiện dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đánh giá tác động chỉ tiêu về an toàn nợ công

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các tỉnh Hải Dương, Ninh Thuận thảo luận tổ chiều 17/5.
Thảo luận tại tổ, đại biểu khẳng định việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là cần thiết, góp phần đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, bảo đảm công bằng, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương; khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các đại biểu đề nghị đánh giá tác động các chỉ tiêu về an toàn nợ công, khả năng trả nợ của địa phương, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động. Quy định về trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bổ sung quy định ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định phải đảm bảo lộ trình phù hợp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Bổ sung thẩm quyền quy định về mức thu đối với các khoản phí, lệ phí mới do địa phương ban hành.
Bảo đảm cơ chế thông thoáng đi đôi với quản lý, giám sát chặt chẽ

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tham gia thảo luận về các dự án luật.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu đề nghị rà soát, quy định bảo đảm thủ tục thuận lợi, thông thoáng đi đôi với quản lý, giám sát chặt chẽ, cơ chế hậu kiểm, trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Kịp thời hướng dẫn chi tiết về tiêu chí kỹ thuật, cơ chế chấm điểm, thành phần hội đồng đánh giá; tăng cường vai trò của chuyên gia độc lập, cơ quan giám sát và bảo đảm cân đối giữa yếu tố kỹ thuật và tài chính trong lựa chọn nhà thầu. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công đầu vào thông qua cơ chế giám sát; giải trình rõ cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả và kiểm soát rủi ro trong thực hiện hợp đồng PPP.
Cùng với đó, đánh giá kỹ tác động của chính sách đến khả năng cân đối ngân sách nhà nước, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xác định doanh thu thực tế, điều kiện nhận hỗ trợ, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và tránh lợi dụng làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch để phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là việc số hóa thủ tục để tạo thuận lợi cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Quy định rõ điều kiện có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam có người thân là công dân Việt Nam; quy định cụ thể các điều kiện có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu đề xuất chỉ quy định không khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định của Chủ tịch nước, còn đối với các văn bản do các cơ quan khác của Nhà nước ban hành thì người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu trong quá trình giải quyết có sai phạm về quy trình, thủ tục.