Tổng Bí thư Tô Lâm: phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ

Chiều 17/5, thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, thể chế pháp luật là động lực, nền tảng cho sự phát triển của đất nước, vì thế mọi người đều phải sống theo Hiến pháp và pháp luật; đó là lý do vì sao các kỳ họp của Quốc hội thời gian gần đây dành nhiều thời gian để sửa đổi các quy định pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng

Thể chế là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của đất nước

Thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, hôm nay, các đại biểu thảo luận tại tổ với rất nhiều dự thảo Luật phải sửa đổi.

“Chúng ta đều nhận thấy rằng, thể chế chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của đất nước; thể chế pháp luật cũng là động lực, nền tảng cho sự phát triển của đất nước, vì thế mọi người đều phải sống theo Hiến pháp và pháp luật. Đó là lý do vì sao các kỳ họp của Quốc hội thời gian gần đây dành nhiều thời gian để sửa đổi các quy định của pháp luật. Đây cũng là một khối lượng rất lớn tại Kỳ họp thứ 9, song mới chỉ sửa đổi một số điều, chưa phải là sửa đổi một cách tổng thể để phù hợp với thực tiễn” - Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.

Nêu tầm quan trọng phải sửa đổi các luật để quản lý xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, trước tiên phải sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng quy trình. Trong đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị "về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới" là hướng đến mục tiêu quan trọng đó. Trong đó, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Cùng đó, tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật; chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, bị động sang chủ động. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật; chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, bị động sang chủ động. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật; chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, bị động sang chủ động; đồng thời, việc xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh việc thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thực chất, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội. Đặc biệt là phải phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với trách nhiệm; xóa bỏ cơ chế xin cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ.

Huy động sức mạnh, nguồn lực phục vụ sự phát triển của đất nước

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 lần này là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, phải cho người dân thấy được niềm vinh dự khi mang quốc tịch Việt Nam, dân tộc Việt Nam để đoàn kết thực hiện mục tiêu chung của đất nước, dân tộc. Đặc biệt để mỗi người dân cảm thấy niềm tự hào khi mang quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam.

Các quy định làm sao huy động được sức mạnh, tôn vinh được người đóng góp cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả người nước ngoài. Người tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì cần tôn vinh, thừa nhận. Theo Tổng Bí thư, nhiều nước rất thành công khi chọn lọc nhân tài trên các lĩnh vực, thậm chí cả người giàu có đóng góp cho nước họ. Như vậy, các quốc gia này mới huy động được sức mạnh, nguồn lực phục vụ sự phát triển của đất nước. Phải khuyến khích những người tài, vì vậy trong dự thảo Luật cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thảo luận, làm rõ những bất cập hiện nay liên quan đến các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 lần này là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Như Ý

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 lần này là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Như Ý

Nêu thực trạng những bất cập trong công tác đấu thầu thời gian quan liên quan đến Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, những bất cập này đã sinh ra việc bệnh viện thiếu thuốc, rồi sinh ra hàng xách tay, ngoài luồng cùng nhiều tiêu cực khác liên quan đến công tác đấu thầu.

Việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà nhiều năm có tiền không tiêu được hết. Như mục tiêu của đấu thầu là để hiệu quả nhất, tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhưng xét ra lại nhiều “tội”, vì gây chậm tiến độ, chất lượng kém, không tiết kiệm, thậm chí mất cán bộ.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bên cạnh các nghị quyết rất quan trọng vừa qua như về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về phát triển kinh tế tư nhân; thể chế pháp luật; hội nhập quốc tế thì tới đây sẽ có thêm 2 nghị quyết rất quan trọng về giáo dục - đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đối với quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư lưu ý phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội. Bởi nguồn lực xã hội lớn lắm, làm sao để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng. Quy định phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi.

Đối với việc tiếp cận tín dụng còn khó, “tín dụng đỏ” không phát triển thì “tín dụng đen” lại có cơ hội. Dân cần vốn mà tiếp cận ngân hàng lại khó khăn, thủ tục này kia thì nhiều người vay “tín dụng đen” cho nhanh, rồi sinh câu chuyện lãi cao, bóc lột. Do đó, hệ thống tín dụng phải thực sự huy động vốn của dân, phục vụ doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng lưu ý hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân. Bởi tiền dân gửi là hợp pháp, còn tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, xét duyệt điều lệ, kiểm soát.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-to-lam-phai-doi-moi-can-ban-tu-duy-xay-dung-phap-luat-chuyen-tu-tu-duy-quan-ly-sang.706811.html
Zalo