Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận về một số dự thảo Luật
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 17/5, tại Tổ thảo luận số 14 dưới sự chủ trì của đại biểu Lê Hữu Trí, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa thảo luận, đóng góp ý kiến vào một số dự thảo luật.
Các luật được đóng góp gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Lâm thảo luận tại tổ.
Tại đây, các đại biểu đều nhất trí với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề quốc tịch và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch trước các yêu cầu mới của thực tiễn phát triển của đất nước, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung lớn có tác động đến công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp như: Chính sách ưu đãi thuế, quy trình, thủ tục hành chính, thủ tục trong đấu thầu, đầu tư, đầu tư công... để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ; nhằm bảo đảm một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện, mặt khác đáp ứng được yêu cầu quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả…
Tham gia ý kiến vào nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội (Đoàn Bắc Giang) nêu: Dự thảo Luật bổ sung quy định (khoản 11 Điều 8) về các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) gồm: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án...; hoạt động quy hoạch và các nhiệm vụ cần thiết khác. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành: “Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): Mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, không nên bổ sung quy định trên vì một số nội dung chi đã được quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP; nội dung chi cho công tác quy hoạch liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Để bảo đảm không luật hóa các nội dung của Nghị định, đại biểu đề nghị không bổ sung các nội dung trên tại dự thảo Luật và Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Về quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương (khoản 6, Điều 7): “Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; đối với các địa phương có nhận bổ sung cân đối, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc điều chỉnh tăng trần dư nợ vay đối với các địa phương tất yếu sẽ làm tăng mức bội chi của ngân sách địa phương. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức dư nợ như dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.
Góp ý kiến vào quy định thưởng vượt dự toán thu đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Tại điểm b khoản 4 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước”, được sử dụng để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thưởng cho ngân sách cấp dưới. Về dự thảo quy định này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị không quy định việc thưởng vượt thu cho địa phương có số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đất liền, vì việc quy định mức thưởng từ tăng thu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán có thể dẫn tới việc cạnh tranh giữa các cửa khẩu đường bộ trong việc ban hành các chính sách ưu đãi không thống nhất. Tạo ra sự chuyển dịch giữa các địa phương, có địa phương vượt thu, có địa phương hụt thu song tổng thể số thu xuất nhập khẩu của cả nước không tăng so với năm trước, nhưng ngân sách trung ương vẫn phải thực hiện thưởng vượt thu theo quy định và có thể xảy ra việc lập dự toán số thu này có xu hướng thấp so với khả năng để được thưởng vượt thu.