Đề xuất phương án phân chia lại tỉ lệ thu ngân sách cho TP.HCM, Hà Nội

Cho rằng tỉ lệ chia lại ngân sách giữa trung ương và địa phương ở một số lĩnh vực còn thấp, đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng mức để lại cho các địa phương, nhất là đối với TP.HCM và Hà Nội.

Chiều 17-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi.

Phát biểu tại đây, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhìn nhận trong quá trình triển khai, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tăng chi đầu tư phát triển, bội chi và nợ công giảm.

“Điều này cho thấy những hỗ trợ của thể chế cho ngân sách nhà nước” – ông Ngân đánh giá và nhấn mạnh để tiếp tục thể chế hóa một số chủ trương, đường lối của Đảng cũng như những quy định mới, Luật Ngân sách nhà nước cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.

Đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực

Đáng chú ý, ông Trần Hoàng Ngân đề cập đến việc sửa đổi quy định về các khoản thu ngân sách Trung ương và địa phương, khoản chi của ngân sách địa phương.

Theo ông, hiện nay tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM là 21%, Bình Dương là 33%, Bà Rịa - Vũng Tàu là 52%. Tính bình quân của ba địa phương trong một thể thống nhất sau sáp nhập thì tỉ lệ này là 32%. “Đây là con số khá lớn” – ông Ngân nói.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đại biểu cũng cho biết hiện nay có 18/63 địa phương tự chủ được tài chính, 45 địa phương còn lại vẫn đang nhận điều tiết từ ngân sách trung ương. Sau sáp nhập, cả nước còn 34 tỉnh, thành, ông Ngân bày tỏ thống nhất quan điểm không chia nhỏ tỉ lệ điều tiết cho từng địa phương mà chia theo nhóm như dự thảo luật.

“Việc chia thành 2-3 nhóm là rất gọn” – đại biểu Ngân nói và cho biết trong Luật Ngân sách Nhà nước hiện nay có 5 khoản thuế sẽ phân chia theo tỉ lệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Cụ thể là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Trong đó, với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân chia theo tỉ lệ ngân sách trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM, 25% số thu trên địa bàn TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai; 20% đối với các địa phương còn lại….

Còn với thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt - nếu có - và thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định) thì thực hiện phân chia ngân sách trung ương hưởng 80% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM. “Tôi thấy tỉ lệ này khá thấp, cần phải điều chỉnh theo hướng ngân sách trung ương hưởng 70%, TP.HCM và Hà Nội hưởng 30%”– đại biểu Ngân đề xuất.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề cập đến quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, các địa phương không nhận bổ sung cân đối. Theo đó, ngân sách trung ương hưởng 30%, ngân sách địa phương hưởng 70%.

Còn với các địa phương nhận bổ sung cân đối thì ngân sách trung ương hưởng 20%, ngân sách địa phương hưởng 80%. “Quy định như vậy, TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng khá nặng”– đại biểu đoàn TP.HCM nói.

Phân tích cụ thể, ông cho biết trong những năm qua, các khoản thu tiền sử dụng đất chiếm 40-50% trong chi đầu tư phát triển của TP.HCM và theo luật hiện hành, TP được hưởng 100%.

Do vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị quy định tỉ lệ điều tiết ở nội dung này theo hướng ngân sách Trung ương hưởng 15-20%; hoặc áp dụng chung cho tất cả các địa phương theo tỉ lệ ngân sách địa phương hưởng 80%, ngân sách trung ương hưởng là 20%.

“Quy định như vậy cũng góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của các địa phương trong bối cảnh mới” – ông Ngân nhấn mạnh và khẳng định điều này càng quan trọng khi tới đây TP.HCM, Hà Nội sẽ triển khai rất nhiều dự án, nhất là hệ thống đường sắt đô thị.

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Cân nhắc quy định giao Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách

Bày tỏ quan tâm đến việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (Điều 51), đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) cho hay theo quy định của Luật hiện hành, Quốc hội phân cấp cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan họp ít nhất mỗi tháng một lần và có thể họp bất cứ khi nào có vấn đề cần xử lý, hoàn toàn có thể bảo đảm tính kịp thời trong việc điều chỉnh dự toán ngân sách bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, Chính phủ được giao điều chỉnh dự toán giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ cấu chi thường xuyên, đầu tư, điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách địa phương làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

“Bằng Luật Ngân sách Nhà nước, Quốc hội cũng có thể giao thẩm quyền này cho Chính phủ để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, việc giao thẩm quyền này thường xuyên, liên tục là chưa thực sự chặt chẽ” – ông Hiển nói và nêu thực tế việc điều chỉnh dự toán theo thẩm quyền hiện hành không phát sinh vướng mắc lớn.

Mặt khác, ông Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng hiện nay trong Luật Tổ chức Chính phủ đã có quy định Trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất”.

“Với quy định này, pháp luật đã cho phép Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp đặc biệt, đặc thù trong trường hợp thực sự khẩn cấp, bao gồm cả vấn đề liên quan đến ngân sách” – đại biểu Hiển nói và đề nghị cân nhắc sửa đổi quy định như trong dự thảo Luật.

Tính từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM có chiều hướng giảm, từ 33% vào năm 2000 xuống còn 23% giai đoạn 2011-2016, giảm tiếp còn 18% giai đoạn 2017-2021. Đến giai đoạn 2022-2025 tăng lên 21%.

Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM có nhiều tờ trình xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách ít nhất 23% nhưng chỉ được chấp nhận mức 21%.

Đến cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31, trong đó nêu rõ giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM ở mức 21% đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-phuong-an-phan-chia-lai-ti-le-thu-ngan-sach-cho-tphcm-ha-noi-post850316.html
Zalo