Xuất khẩu cà phê có thể vượt mốc 6 tỷ USD
Sản lượng cà phê Việt Nam năm nay ước khoảng 1,7–1,8 triệu tấn, mục tiêu xuất khẩu có thể vượt mốc 6 tỷ USD.
Phát biểu tại hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu", do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 17/5, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết mục tiêu xuất khẩu cà phê trong năm 2025 có thể vượt mốc 6 tỷ USD, với sản lượng khoảng 1,7–1,8 triệu tấn.
Trong 4 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê dù giảm gần 10% về sản lượng so với cùng kỳ 2024, nhưng kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng 51,1% về giá trị.

90% sản lượng cà phê Việt Nam hiện do các hộ nhỏ lẻ sản xuất, thu hoạch. (Ảnh: M. Yến)
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đang dẫn lượng cà phê robusta xuất khẩu. Trong năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt giá trị 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê lớn nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.
EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, trong đó 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê Việt Nam là Đức, chiếm 11%, Italia chiếm 8,1% và Tây Ban Nha khoảng 8%.
Giá cà phê tăng mạnh suốt 2 năm qua đã đem lại nguồn lợi lớn cho ngành cà phê. Ông Trịnh Đức Minh cho rằng không chỉ xuất khẩu tăng mạnh, tỷ lệ cà phê chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan cũng ngày càng tăng. Hiện nay, khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam cũng bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.
Lý giải câu chuyện cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô mà ít chế biến sâu, chuyên gia thị trường Nguyễn Quang Bình, cho rằng đó là điều hoàn toàn bình thường trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, cần nhìn nhận vào thực tế sản xuất. Việt Nam có khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm, nhưng đến 90% sản lượng do các hộ nhỏ lẻ sản xuất, thu hoạch. Mỗi hộ chỉ có sản lượng 3–5 tấn, rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Việc sản xuất nhỏ lẻ gây hạn chế trong việc đầu tư chế biến sâu.
Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam lượng chế biến sâu còn hạn chế vì nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp; tiêu thụ trong nước mới khoảng 5–10% sản lượng, trong khi con số này ở Brazil - quốc gia xuất khẩu lớn nhất hiện nay, tương đương hơn 1/3 sản lượng. Việc tiêu thụ nội địa mạnh giúp chế biến sâu ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm.
Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch Vụ Rang Xay Chuyên Nghiệp Sài Gòn (Alambé Việt Nam), cho rằng thay Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm là thế mạnh như Robusta. Sự độc đáo của Robusta được biết tới với hương vị mạnh mẽ và hương vị cà phê chất lượng cao.

Mới khoảng 10% sản lượng cà phê Việt Nam được đưa vào chế biến sâu, giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn. (Ảnh: H. Linh)
Cách mà doanh nhân này đưa ra là Việt Nam cần giới thiệu cà phê không chỉ là loại thức uống, mà còn là một phần văn hóa, kết tinh của công sức, tâm huyết và đặc trưng vùng miền; kể câu chuyện đằng sau từng ly cà phê. Việc đẩy mạnh quảng bá cà phê rang xay nguyên chất 100%, có chứng nhận chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, sẽ giúp nâng tầm cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu - thương hiệu Meet More coffee, cà phê Việt ở nước ngoài được đón nhận rất nồng nhiệt. Hai năm trở lại đây, sản lượng bình quân Meet More xuất khẩu đạt 1.800-2.000 tấn mỗi năm tại thị trường như Hàn Quốc, Nga, Úc, Trung Quốc, Mỹ.
Dù vậy, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng cà phê; nâng cao hơn nữa giá trị mang lại cho người trồng. Các thị trường nhập khẩu cũng có những đòi hỏi mới như sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon.
Do vậy, nông dân cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững. Đặc biệt, tỷ lệ chế biến sâu phải được nâng lên 40-45%. Đồng thời, người trồng cũng cần nâng cao năng lực thị trường – biết phân tích xu hướng, chủ động trữ hàng và bán ra vào thời điểm giá tốt, hướng đưa kim ngạch ngành cà phê Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD.