Tổng Bí thư Tô Lâm: Sửa luật để 'chữa bệnh' có tiền không tiêu hết
Tổng Bí thư chỉ rõ thực trạng nhiều năm qua, nhu cầu phát triển đất nước rất lớn song giải ngân đầu tư công năm nào cũng chậm: 'Có tiền nhưng lại không tiêu được, dù phải vay ở nước ngoài. Tại sao?'.
Bốn yêu cầu về tư duy xây dựng pháp luật
Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: Media Quốc hội.
Góp ý tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu quan điểm chính trong xây dựng thể chế, pháp luật là phải để thể chế, pháp luật trở thành động lực, nền tảng phát triển của đất nước.
"Trước đây chỉ nghĩ xây dựng pháp luật để quản lý (từ quản lý xã hội, trật tự, hành vi) còn những gì không quản lý được thì cấm. Nhưng chúng ta lại ít để ý đến việc huy động sức dân, mở đường khuyến khích, có tầm nhìn phát triển, kiến tạo.
Qua thời gian, việc xây dựng pháp luật đã dần hoàn thiện. Nghị quyết 66 vừa qua ra đời cũng chính là để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, loại bỏ triệt để rào cản, chồng chéo, mâu thuẫn", Tổng Bí thư cho biết.
Trên tinh thần cải cách pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một số yêu cầu về xây dựng pháp luật, đó là: Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho sự phát triển.
Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho yêu cầu của sự phát triển.
Thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, gắn liền với công khai minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội.
"Luật pháp không phục vụ lợi ích của nhóm nào mà phải phục vụ toàn dân", ông nhấn mạnh.
Đồng thời, phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin – cho, triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.
"Muốn chữa được bệnh phải bắt đúng bệnh"
Đi vào góp ý cụ thể đối với dự án 1 luật sửa 7 luật, Tổng Bí thư chỉ ra thực tế thời gian qua, hoạt động đầu tư, hợp tác công - tư quá khó khăn, là những điểm mấu chốt cần tháo gỡ.
"Nhiều năm qua, có thực trạng tiền không tiêu được hết. Hơn nữa, nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, tuy có tiền nhưng lại không tiêu được, phải vay ở nước ngoài. Tại sao?", Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.
Dẫn chứng Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư cho rằng, riêng việc thực hiện quy trình đã gần hết năm, trong đó mất vài tháng mở thầu, vài tháng chọn thầu rồi đến chấm thầu.
"Cứ như vậy, không còn thời gian thực thi trong khi ngân sách chỉ phân bổ trong năm. Do đó, thường trong quý 1, đầu tư công không thể giải ngân vì vướng các thủ tục. Muốn chữa được bệnh thì phải bắt đúng bệnh.
Những bất cập trong luật làm chậm tiến độ phát triển, lãng phí ngân sách.
Như trong đấu thầu y tế, nếu cứ đấu giá như vậy thì Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với những thứ thuốc tốt nhất, máy móc tốt nhất trên thế giới. Nhiều người phải mua thuốc xách tay, ngoài luồng, tạo cơ hội cho buôn lậu, làm hàng giả. Trong khi bệnh viện vẫn phải cấp thuốc nhưng bệnh nhân không ai uống. Rất lãng phí!", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cũng như vậy, Tổng Bí thư chỉ ra, việc hợp tác đầu tư công, hợp tác công – công, hợp tác công - tư rất khó khăn.
Ông phân tích: "Cùng là tiền Nhà nước nhưng địa phương, Trung ương lại không hợp tác được. Nếu địa phương muốn góp tiền với Trung ương để làm nhanh dự án, sớm hưởng lợi cũng không thể".
Từ những căn bệnh trong Luật đấu thầu, Luật PPP…, Tổng Bí thư cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi khiến các dự án không thể đẩy nhanh, không chọn được người tốt, giỏi... Do đó cần phải sửa luật để gỡ vướng, huy động nguồn lực vô cùng lớn từ xã hội.