Việt Nam nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, có gì mà lo!
Hơn tuần qua, nhiều người có vẻ lo ngại khi báo chí trong nước đăng tải thông tin về việc năm nay, Việt Nam có thể nhập đến 4 triệu tấn gạo và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Philippines.
Mới nghe qua thấy bất hợp lý thật, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu đứng thứ ba thế giới thì cũng nhập khẩu gạo thứ ba; năm nay dự báo sẽ vượt Thái Lan trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ thì nhâp khẩu cũng tăng theo lên hàng thứ hai.
Nhiều năm trước, thông tin về việc Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhưng lại đi nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng làm nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này không đáng lo ngại vì tôm thu hoạch theo mùa, trong nước hết tôm thì doanh nghiệp phải nhập để chế biến là đương nhiên. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sú nhưng lại có hợp đồng xuất tôm thẻ chân trắng, loại trong nước chưa nuôi ở thời điểm đó nên phải nhập tôm thẻ làm nguyên liệu mà thôi.
Nay câu chuyện của gạo cũng y như vậy, xuất khẩu gạo năm ngoái đã lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9,18 triệu tấn, đem về 5,7 tỉ đô la Mỹ nhưng cả nước cũng đã nhập khẩu 4,518 triệu tấn lúa gạo các loại, gồm 3,8 triệu tấn lúa cùng các loại gạo phẩm cấp thấp và nếp (*).
Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Campuchia nay có thêm Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và một số thị trường khác.
Hơn chục năm qua, Campuchia là thị trường nhập khẩu lúa truyền thống của các doanh nghiệp Việt Nam… Lúa từ nước láng giềng được nhập khẩu phần lớn qua các cửa khẩu tiếp giáp giữa tỉnh Long An, Đồng Tháp của Việt Nam với Campuchia.
Lúa sau khi đưa về Việt Nam sẽ được xay xát và phần lớn dùng để phục vụ cho xuất khẩu. Năm ngoái, có hơn 2,7 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia tức là đã đóng góp 1,3 triệu tấn gạo cho tổng 9,18 triệu tấn gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, các loại gạo được nhập khẩu từ Ấn Độ lại chủ yếu là gạo cấp thấp, được sử dụng cho chế biến bánh phở, bún, làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng gạo giá thấp của thị trường. Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong hội nghị xuất khẩu gạo gần đây đều công nhận điều này.
Thế nhưng, tại sao bây giờ Việt Nam nhập nhiều mà không phải từ 5-7 năm trước. Lý do khá đơn giản, Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Cụ thể, cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam có tỷ trọng lớn là gạo chất lượng cao, hơn 70%, gạo cao cấp có thương hiệu (khoảng10-15%), chỉ còn 10-15% là gạo cấp thấp.
Các năm trước, nông dân đua nhau trồng giống lúa có phẩm cấp thấp là IR50404 nhưng đổi lại năng suất cao, ít sâu bệnh đến mức, giống lúa này đi vào bảng thống kê giá cả, năng suất sản lượng của ngành nông nghiệp và chỉ tiêu thụ ở trong nước là chính. Nay, trong nông dân tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST24, ST25… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.
Theo nhiều doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về Việt Nam chỉ bằng 70-80% giá gạo phẩm cấp cao mà doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, trong một hội thảo về ngành hàng lúa gạo hồi tháng 4 năm nay, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, Việt Nam đang xuất khẩu loại gạo ngon và nhập về loại gạo rẻ. Điều đó cũng là bình thường thậm chí tốt cho thị trường tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp.
Vì vậy, nếu Việt Nam nhập khẩu gạo vươn lên thứ hai toàn cầu thậm chí trở thành nơi nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại.
(*) Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam