Khối ngoại tiếp tục bán ròng có đáng lo?

Áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục nối dài sang tháng 1 với nhiều phiên ghi nhận quy mô hàng trăm tỷ đồng. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, áp lực sẽ sớm hạ nhiệt khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã chạm đáy, đồng thời việc kỳ vọng nâng hạng có thể giúp đảo chiều xu hướng.

Nguồn: SSI Research. Đồ họa tư liệu

Nguồn: SSI Research. Đồ họa tư liệu

Khối ngoại tiếp tục bán ròng

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tháng khởi đầu năm 2025 với xu hướng trầm lắng, khi tâm lý thận trọng chiếm ưu thế trên thị trường. VN-Index khởi đầu kém lạc quan trong nửa đầu tháng, có lúc lùi về mốc 1.220 điểm. Tuy nhiên, động lực từ chính sách và hiệu ứng từ mùa công bố kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết giúp thị trường dần hồi phục trở lại, đóng cửa cuối tháng 1 ở mức 1.265 điểm, gần như đi ngang so với cuối năm 2024.

Định giá thị trường chứng khoán về mức hấp dẫn

Theo Chứng khoán KB Việt Nam, trong bối cảnh mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tăng khả quan trong năm qua, EPS toàn thị trường được thúc đẩy, đưa định giá P/E của VN-Index về mức tương đối hấp dẫn. Báo cáo lợi nhuận khả quan, đặc biệt từ các ngành công nghệ, ngân hàng càng củng cố tâm lý nhà đầu tư và tạo kỳ vọng giúp thu hút thêm dòng vốn đổ vào thị trường.

Trong đó, một phần nguyên nhân của diễn biến này đến từ áp lực bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi bán ròng sang tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị gần 6.500 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bao gồm 4.300 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và 2.200 tỷ đồng bán ròng thỏa thuận.

Nửa đầu tháng 2, áp lực bán ròng chưa có dấu hiệu chững lại. Chỉ trong hai tuần, khối ngoại bán ròng với quy mô gần 6.000 tỷ đồng, hướng tới tháng bán ròng thứ 5 liên tiếp. Trước đó, quy mô bán ròng năm 2024 lên tới hơn 80.000 tỷ đồng.

Xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng tương đồng với sự dịch chuyển dòng vốn trên thị trường quốc tế. Theo SSI Research, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) tiếp tục rút ròng 1,1 tỷ USD trong tháng đầu năm 2025.

Trong đó, áp lực lớn nhất là thị trường Ấn Độ với mức rút ròng cao nhất kể từ tháng 3/2020 trước lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tại các quốc gia khác, dòng tiền duy trì trạng thái yếu trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lo ngại các chính sách thuế quan và dự đoán Fed chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất.

Ở chiều ngược lại, dòng vốn tiếp tục đổ vào các thị trường phát triển, chủ yếu là Mỹ. Các quỹ ETF và chủ động ghi nhận vào ròng gần 66 tỷ USD trong tháng 1, trong đó thị trường Mỹ tiếp tục thu hút dòng tiền (46,5 tỷ USD), với sức hút vượt trội từ nhóm công nghệ.

Áp lực rút ròng có thể sớm thu hẹp

"Tôi nghĩ lực bán ròng này có ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn, nhưng không quá rủi ro vì không dàn trải" - ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận xét.

Theo chuyên gia này, khối ngoại ghi nhận nhiều phiên bán ròng với quy mô lớn, nhưng lực bán không dàn trải trên toàn thị trường. Như giai đoạn tháng 1/2025, lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào FPT và VNM.

Theo đó, khi nhà đầu tư nhìn nhận cơ hội đầu tư cụ thể, xu hướng bán ròng sẽ chỉ còn là yếu tố để tham khảo. Bởi thực chất, trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều cổ phiếu thậm chí không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ thuế quan, chẳng hạn như nhóm khoáng sản, đầu tư công.

Đối với đà tăng của tỷ giá, chuyên gia này cho rằng, do chính sách thuế quan mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. USD đã có biến động rất mạnh, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh lên tới 108 - 109 điểm. Mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong giai đoạn đầu năm mới, USD neo ở mức cao đã khiến dòng vốn bị rút ra khỏi một số thị trường khu vực mới nổi và cận biên. Xu hướng này ảnh hưởng phần nào tới Việt Nam.

"Nhìn chung, bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đâu đó chúng ta đã nhìn thấy một số cơ hội rõ ràng. Câu chuyện của nhóm ngành ngân hàng tôi vừa chia sẻ vẫn còn nguyên giá trị" - ông Sơn nhận xét.

Theo SSI Research, điểm tích cực ở hiện tại là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta cũng chung quan điểm khi cho rằng, dư địa cho việc duy trì bán ròng của khối ngoại sẽ thu hẹp do áp lực bán đã duy trì liên tục trong cả năm 2024.

Kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025, theo SSI Research, sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE Russell. Theo dự báo của Chứng khoán KB, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng vào tháng 9/2025 và chính thức được nâng hạng vào tháng 3/2026. Diễn biến này dự kiến sẽ duy trì tâm lý lạc quan và mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích cực trên thị trường.

"Chúng tôi cần lưu ý rằng, các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn" - Nhóm phân tích nhận xét./.

Minh Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-ngoai-tiep-tuc-ban-rong-co-dang-lo-170433-170433.html
Zalo