HTX trước nỗi lo về thị trường
Thực tế cho thấy, lo lắng lớn nhất của nông dân, HTX làm nông nghiệp hiện nay là rủi ro về thị trường. Có những thời gian, nhiều loại nông sản tăng giá, sốt giá nhưng vẫn còn đó tình trạng khó tiêu thụ, rớt giá.
Nếu như năm ngoái, gạo xuất khẩu liên tục được giá thì từ sau Tết đến nay, giá gạo liên tục lao dốc và còn chưa tới 400 USD/tấn - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. So với giá đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã giảm 264 USD/tấn, tương đương mức giảm gần 40%. Còn nếu so với thời điểm 1/2024, hiện giá gạo 5% tấm đã giảm khoảng 260 USD/tấn.
May nhờ, rủi chịu
Giá gạo giảm, nhiều nông dân, HTX trồng lúa lo lắng. Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Hòa (An Giang), cho biết nông dân bất an bởi giá gạo xuất khẩu giảm sẽ kéo theo giá gạo trong nước giảm. Thậm chí, tình trạng bỏ cọc sẽ diễn ra vì bên mua không thỏa thuận được giá với bên bán do giá lúa gạo xuống từng ngày.
Đặc biệt, năm nay, sản xuất lúa gạo gặp không ít khó khăn vì biến đổi thời tiết, dịch bệnh diễn ra nên nông dân, HTX phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Ai cũng mong giá gạo tăng cao để bù vào vốn bỏ ra và có lãi chút đỉnh.
Không chỉ giá gạo, mà cây chuối - một trong những loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước hiện nay, cũng rơi vào cảnh tương tự. Nếu như dịp Tết, một nải chuối đến tay người tiêu dùng có giá từ 150.000-500.000 đồng thì nay chỉ còn vài chục nghìn đồng.

Thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn bấp bênh.
Còn về xuất khẩu, giá chuối thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ được đánh giá khá cao, ở mức khoảng 8.500-10.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi, nhưng hiện do nhu cầu thị trường giảm, giá chuối còn khoảng 7.000 đồng/kg.
Đối với dưa hấu, trước Tết Nguyên đán 2025, giá loại nông sản xuất tại ruộng dao động 8.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau Tết, giá đã giảm mạnh và hiện nay chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng/kg.
Vẫn biết giá nông sản cao hay thấp phụ thuộc không nhỏ vào nhu cầu thị trường, nhu cầu lớn thì giá hàng hóa thường cao và ngược lại, nhưng điều này cũng cho thấy sự bấp bênh của thị trường đầu ra đối với nhiều mặt hàng nông sản hiện nay.
Đối với nông dân, HTX, nếu vụ mùa nào, nông sản được mùa, được giá thì còn có lãi, đảm bảo chi phí tái đầu tư cho vụ sau. Còn vụ nào nông sản mất mùa, cộng thêm mất giá thì họ cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận.
Bởi theo giới chuyên gia, phần lớn nông dân, HTX hiện nay chưa có quyền quyết định giá nông sản, hàng hóa trên thị trường mà chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu lấy công làm lời. Và theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, mới có gần 4.000 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian và hạ giá thành sản phẩm, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước mới có 2.510 chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia của HTX, doanh nghiệp (chiếm 37% lượng nông sản tiêu thụ trên thị trường).
Những con số này còn quá ít và chứng tỏ sự rủi ro trong tiêu thụ hàng hóa còn rất lớn. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (Hà Nội) Đàm Văn Đua cho biết, với diện tích trồng rau hơn 200ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm nhưng nông sản, sản phẩm của HTX hiện nay chủ yếu tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên rất bấp bênh, giá trị kinh tế cho người trồng rau chưa thực sự cao.
Không "bỏ trứng vào một giỏ"
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, bất kỳ thị trường nào cũng có tiềm năng nhất định với từng loại hàng hóa, nông sản.
Thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân có nhu cầu lớn về nhiều loại nông sản như trái cây, rau màu, dừa, sầu riêng… Đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm của HTX, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Còn với thị trường như Mỹ, EU…, nhu cầu về hàng hóa, nông sản nhiệt đới cũng rất cao nhưng đây cũng là thị trường liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật cũng như đi đầu trong các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh.
Điều này cho thấy, nhu cầu thị trường nào về nông sản, hàng hóa cũng rất lớn nhưng nhìn chung mỗi thị trường đều có “tính thất thường” ở từng thời điểm kéo theo giá cả lên xuống và biến động theo.
Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng một khi đã sản xuất kinh doanh, nhất là tham gia xuất khẩu, đòi hỏi HTX, doanh nghiệp không nên "bỏ trứng vào một giỏ" và không nên sản xuất ồ ạt đi liền với thiếu tiêu chuẩn.
Bởi năm 2024 là một năm xuất khẩu thành công của nông sản khi đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm trước. Điều này có lẽ sẽ là chất xúc tác khiến không ít nông dân, HTX mở rộng diện tích sản xuất, từ đó sẽ tạo ra không ít thách thức trong quá trình tiêu thụ, xuất khẩu.
Năm 2025, dự báo tình hình chung của kinh tế thế giới vẫn khó khăn, sức tiêu dùng sẽ giảm cũng là thách thức không nhỏ cho xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn.
Theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu. Nhất là khi tận dụng được ưu điểm lệch vụ, biết rải vụ để có hàng hóa cung ứng đúng thời điểm mà một số thị trường thiếu thì giá sẽ cao.
Tuy nhiên, xét trên thế giới, nhiều nước có khoa học kỹ thuật phát triển cũng đang làm rất tốt vấn đề rải vụ, sản xuất được nông sản, hàng hóa cả vào mùa đông lạnh giá.
Do đó, ngoài việc trồng rải vụ để có nguồn tiêu thụ quanh năm thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chú trọng áp dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến là hết sức cần thiết. Bởi khi nâng tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ thì sẽ nâng được chất lượng nông sản và sẽ xuất khẩu được sang nhiều thị trường và giải quyết được phần nào bài toán về thời gian vận chuyển, nhất là đối với nông sản đã được chế biến sâu.
Ông Đàm Văn Đua cũng cho rằng dù HTX đã đa dạng được các loại nông sản nhưng vấn đề khó tiêu thụ, xuất khẩu hiện nay một phần là do nông sản của HTX phần lớn là bán thô, chưa chú trọng chế biến sâu và vấn đề liên kết chuỗi với doanh nghiệp chưa thực bền vững.
Do đó, cơ quan quản lý cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để nông sản có đầu ra ổn định, sản xuất phát triển bền vững hơn. Khi làm được điều này thì đồng nghĩa người làm ra sản phẩm là nông dân, HTX sẽ có quyền quyết định giá của nông sản, hàng hóa.