Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới bất chấp mối lo thương mại, giá dầu tăng vì đường ống Nga bị tấn công
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/2), với chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới, khi nhà đầu tư tạm gác sang bênh những mối lo về thương mại toàn cầu và sự dai dẳng của lạm phát ở Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá dầu thô cũng tăng do rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu khi một đường ống dẫn dầu quan trọng của Nga bị Ukraine tấn công.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,24%, đạt mức chốt phiên cao chưa từng thấy 6.129,58 điểm. Trước đó, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục nội phiên ở mức 6.129,58 điểm.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,07%, đạt 20.041,26 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 10 điểm, tương đương tăng 0,02%, đạt 44.556,34 điểm.
Năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức tăng 1,9%. Cổ phiếu công nghệ cũng là nhóm có đóng góp chính vào sự đi lên của các chỉ số.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ truyền thông, với mức giảm tương ứng 1% và 1,2%, đã gây áp lực giảm lên toàn thị trường. Cổ phiếu Meta Platforms chốt phiên với mức giảm 2,7%, đứt chuỗi 20 phiên tăng không nghỉ.
“Nói chung, thị trường vẫn đang cố gắng thoát khỏi trạng thái tích lũy đã duy trì suốt từ đầu tháng 12 tới này. Tuần này sẽ có nhiều báo cáo tài chính quý 4/2024 của các công ty trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, tin tức từ Washington, nhất là về thuế quan, có thể tiếp tục là một nhân tố tác động khó lường đối với thị trường”, Giám đốc phụ trách giao dịch và đầu tư của nền tảng E-Trade thuộc ngân hàng Morgan Stanley, ông Chris Larkin, nhận định với hãng tin Reuters.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tuần trước, dù mối lo thuế quan phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư và số liệu thống kê cho thấy lạm phát nóng hơn dự báo làm suy giảm các kỳ vọng liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay. Cả tuần, Dow Jones tăng khoảng 0,6%, trong khi S&P 500 tăng 1,5% và Nasdaq tăng 2,6%.
Phần lớn sự tăng điểm của tuần vừa rồi diễn ra vào ngày thứ Năm, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan có đi có lại lên các quốc gia có đánh thuế đối với hàng hóa Mỹ. Kế hoạch mà ông Trump đưa ra được đánh giá là “nhẹ nhàng” hơn so với những gì mà thị trường lo ngại lúc đầu.
Ngày thứ Hai, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tổng thống (Presidents’ Day).
Dù xu hướng chính vẫn là tăng, chứng khoán Mỹ đã giằng co nhiều hơn từ đầu năm đến nay, khi tâm lý nhà đầu tư vừa bị chi phối bởi các tin tức về thuế quan, địa chính trị và kỳ vọng lãi suất.
Ngày 18/2, Mỹ và Nga đã khởi động cuộc đàm phán nhằm đi tới một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước diễn ra ở Saudi Arabia mà không có sự tham gia của phía Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine nếu đàm phán Mỹ-Nga dẫn tới một thỏa thuận hòa bình vội vã bao gồm sự thỏa hiệp đối với an ninh của châu Âu.
Về lạm phát và lãi suất, trưởng chiến lược đầu tư của công ty BOK Financial, ông Steve Wyett, nhận định với hãng tin CNBC: “Tôi cho rằng không có khả năng Fed trở nên mềm mỏng hơn trong năm tới vì lạm phát sẽ là câu chuyện của năm 2026. Rủi ro đó chưa được phản ánh vào giá tài sản ở thời điểm này. Tôi lạc quan hơn là bi quan, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải thực tế”.
Vào ngày thứ tư, Fed sẽ công bố cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quan điểm cứng rắn, tuyên bố Fed không vội hạ lãi suất vì lạm phát còn cao hơn mục tiêu.
Chứng khoán châu Âu lập thêm kỷ lục mới trong phiên ngày thứ Ba nhờ lạc quan về hòa bình cho Ukraine, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu ngân hàng và quốc phòng. Chỉ số Stoxx 600 chốt phiên với mức tăng 0,32%, đạt mức cao chưa từng thấy 557,17 điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 0,82%, chốt ở mức 75,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,11 USD/thùng, tương đương tăng 1,57%, chốt ở mức 71,85 USD/thùng.
Một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào đường ống dẫn dầu ở Nga đã làm suy giảm dòng dầu từ Kazakhstan. Một quan chức Nga cho biết đây là cuộc tấn công do Ukraine thực hiện và nhằm vào đường ống vận chuyển khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu. Theo công ty vận chuyển dầu lửa Transneft của Nga, hư hỏng đường ống do vụ tấn công sẽ khiến lượng dầu vận chuyển từ Kazakhstan giảm khoảng 30% và cần tới 2 tháng để khắc phục.
“Tuy nhiên, trong dài hạn hơn, khả năng tăng giá cao hơn của dầu bị hạn chế, bởi thị trường vẫn kỳ vọng nguồn cung dầu từ OPEC+ tăng lên, trong khi triển vọng cải thiện nhu cầu, nhất là nhu cầu của Trung Quốc, còn bấp bênh”, chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của công ty IG nhận định với hãng tin Reuters.
Các nhà phân tích của công ty BMI dự báo giá dầu Brent bình quân ở mức 76 USD/thùng trong năm 2025, giảm 5% từ mức bình quân của năm 2024, do nguồn cung vượt nhu cầu, tác động của thuế quan và căng thẳng thương mại.
Truyền thông nhà nước Nga cho biết OPEC+ hiện không có ý định trì hoãn việc tăng sản lượng khai thác dầu bắt đầu từ tháng 4. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Ngoài ra, nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa cũng đang đợi kết quả cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine. “Đang có nhiều áp lực giảm giá dầu, và nhân tố lớn nhất bây giờ là kết quả đàm phán về Ukraine. Dầu Nga có thể sẽ quay trở lại với thị trường chính thống, và trật tự thị trường bây giờ sẽ có sự thay đổi”, nhà phân tích Neil Crosby của công ty Sparta Commodities nhận định.