Ngân hàng cấu trúc nhân sự tiết giảm chi phí hoạt động
Nhiều ngân hàng cắt giảm hàng trăm nhân sự trong thời gian gần đây, nhưng xu hướng cạnh tranh tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn diễn ra mạnh mẽ và có sự cạnh tranh về chế độ đãi ngộ giữa các đơn vị.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của 27 NHTM niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, tính đến cuối năm 2024, tổng số nhân sự của các ngân hàng đạt khoảng 279.170 người, tăng thêm gần 3% (tương đương hơn 7.400 người) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 27 ngân hàng kể trên, có 19 ngân hàng ghi nhận số lượng nhân viên vẫn tăng trong năm 2024. Trong khi đó, 8 ngân hàng còn lại (bao gồm: BIDV, Sacombank, TPBank, NamABank, ABBank, VIB, ACB và KienlongBank) ghi nhận đã cắt giảm từ vài chục đến vài trăm nhân sự ở các phòng ban được tái cơ cấu, xắp xếp, tinh gọn lại để hoạt động hiệu quả hơn.
Cụ thể, tính đến cuối 2024, BIDV dẫn đầu trong chiến lược tái cấu trúc, tinh gọn nhân sự với mức tinh giảm khoảng 1.000 nhân sự ở tất cả các vị trí công việc. Tiếp đó là các ngân hàng VIB, Sacombank, ACB… với mức cắt giảm khoảng 300-450 người/ngân hàng.
Theo lý giải của các NHTM, nhân sự thay đổi thời gian vừa qua chủ yếu do quá trình chuyển đổi số và tái cấu trúc mô hình hoạt động. Việc áp dụng các mô hình phòng ban tích hợp, tinh gọn ở một số vị trí công việc truyền thống cũng khiến nhân sự dôi dư. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự cho các vị trí công việc liên quan đến công nghệ và tài chính số vẫn rất lớn và có sự tăng trưởng, cạnh tranh giữa các NHTM.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, xu hướng cắt giảm nhân sự như kể trên hiện nay không chỉ diễn ra ở ngành Ngân hàng mà là xu hướng chung ở nhiều ngành nghề và xuất hiện phổ biến ở nhiều quốc gia. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, do tốc độ áp dụng các giải pháp chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn nên việc cắt giảm nhân sự cũng biểu hiện rõ ràng hơn.

Ngân hàng vẫn có nhu cầu cao và cạnh tranh trong tuyển dụng nhân sự các mảng công việc yêu cầu chuyên môn công nghệ cao
“Đơn cử như sự xuất hiện của các mô hình ngân hàng không chi nhánh cũng như tỷ trọng giao dịch trực tuyến gần như đang được áp dụng cho 100% các nghiệp vụ tại một số ngân hàng đã làm dôi dư các vị trí công việc truyền thống như giao dịch viên, lễ tân, nhân sự làm việc thống kê”, ông Huân cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, việc tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí và nâng cao tỷ suất sinh lợi là nhu cầu và là xu hướng tạo lợi thế cạnh tranh cho các NHTM nói riêng và các TCTD nói chung. Việc chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số, ứng dụng nhiều công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) cũng sẽ khiến các ngân hàng tái cấu trúc nhiều vị trí công việc cho phù hợp và hiệu quả.
Ông Linh cho rằng, mặc dù một số NHTM cắt giảm nhân sự, nhưng đây không phải là làn sóng sa thải nhân viên mang tính tiêu cực mà là một diễn biến mang tính xu hướng và có tính chất thị trường.
“Các ngân hàng sẽ dần dần hướng tới những hoạt động tài chính phức tạp hơn, trong khi các hoạt động đơn giản dần được chuyển sang các công ty khác. Vì vậy, số lượng nhân sự có thể giảm nhưng chất lượng nhân sự lại tăng, không phải chỉ là cắt giảm một cách cơ học”, ông Linh nhấn mạnh.
Ở góc độ đào tạo nhân lực ngành Ngân hàng, ông Trương Tiến Sĩ - Phó giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, song song với diễn biến tinh gọn nhân sự, hiện nay, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành Ngân hàng vẫn luôn có sự tăng trưởng. Tại các đợt tổ chức “Ngày hội thực tập và việc làm HUB” diễn ra hàng năm, số lượng các TCTD có nhu cầu tuyển dụng nhân viên cho các vị trí công việc mới vẫn tăng liên tục. Trong đó, các vị trí công việc cần chuyên môn cao như vận hành các ứng dụng công nghệ số, AI, blockchain, quản trị dữ liệu lớn (big data)… gần như lúc nào cũng có ngân hàng tuyển dụng với mức lương và chế độ đãi ngộ cao nhất trong các khối ngành, lĩnh vực.
Các chuyên gia khuyến nghị, trong vài năm tới, công nghệ AI sẽ phát triển mạnh mẽ, thay thế nhiều việc làm trong ngành Ngân hàng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Công nghệ AI được các ngân hàng áp dụng nhiều hơn để xử lý nhiều công việc, từ khối hành chính đến các nghiệp vụ thống kê, đề xuất sản phẩm - dịch vụ và hỗ trợ xác thực thông tin, phân tích dữ liệu. Vì vậy, diễn biến dịch chuyển nhân sự trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các TCTD cân đối trong việc đầu tư đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực và đổi mới chính sách tuyển dụng nhằm giữ chân người lao động trong các mảng công việc mang tính chiến lược.
Trong khi đó, người lao động trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần chủ động chuẩn hóa học vấn để đáp ứng những yêu cầu mới về kỹ năng, nghiệp vụ nhằm sẵn sàng thích nghi với những mô hình tổ chức mới của các ngân hàng; đồng thời, sẵn sàng cho cơ hội dịch chuyển công việc cũng như chỗ làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.