Xuất khẩu: 'Không bỏ trứng vào một giỏ' để giảm rủi ro về thương mại toàn cầu
Với 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa để nâng cao giá trị xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới nhằm phân tán lượng hàng xuất khẩu, giảm phụ thuộc quá lớn vào một nước.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2025 chỉ đạt hơn 63 tỷ USD, giảm cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2025 ở mức 2 con số trở nên đầy thách thức.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA)… là giải pháp quan trọng để giảm thiểu những rủi ro của thương mại toàn cầu.
Mục tiêu xuất khẩu 2025 đầy thách thức
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tháng 01/2025 chỉ thu về 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước, còn nhập khẩu đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước.
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu trong tháng Một giảm so với cùng kỳ năm ngoái do trong tháng có kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, trong khi dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào tháng 2/2024.
Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm ở cả 3 nhóm hàng đã tác động đến xuất khẩu chung của cả nước, trong đó nhóm nông lâm thủy sản giảm 8,7%; nhóm công nghiệp chế biến giảm 3,4% và nhiên liệu và khoáng sản giảm nhiều nhất, tới 35,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đi vào một số ngành hàng, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 01/2025 đạt 3,19 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 01/2025 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2025 đạt 1,42 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2025 với kim ngạch ước đạt 10 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt giảm là: 12,6%; 14%; 8,9%; 6,9%.
Đa dạng thị trường
Năm 2025, ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 12% so với năm ngoái. Vì vậy, để đạt được tăng trưởng cao, về phía các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ nhiều doanh nghiệp, từ đổi mới công tác quản trị, đưa ra dự báo chính xác về thị trường, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân các khách hàng.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh đến việc bám sát khách hàng (những người đặt hàng) tại những thị trường mà doanh nghiệp hướng đến, để khi có thay đổi về chính sách, các khách hàng vẫn ưu tiên và lựa chọn doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa các thị trường, mở thêm các thị trường ngách và minh bạch trong chuỗi cung ứng.
“Bất kỳ khi mua hàng, tìm nguồn cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ, phải có giấy tờ nguồn gốc rất rõ ràng để chứng minh được sản phẩm cung cấp,” ông Hoàng Mạnh Cầm cho hay.
Còn theo ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kẻ Gỗ, sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã có một số khách hàng từ thị trường Hoa Kỳ, EU liên hệ, tuy nhiên từ khâu chào hàng đến khâu chốt đơn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần hoàn thiện các bước để thực hiện hợp đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, do đó, khi tham gia vào hầu hết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, đây sẽ là điều kiện để doanh nghiệp của Việt Nam phản ứng nhanh nhạy, giữ nhịp tăng trưởng trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại thế giới.
Cụ thể hơn, 17 FTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận với trên 60 thị trường toàn cầu, làm đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu. Quan trọng hơn là sự bám rễ sâu của hàng Việt Nam cũng như thích ứng với những biến động của thị trường.
Đơn cử trong lĩnh vực nông sản, với riêng 7 FTA giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực đã giúp cho hơn 40 mặt hàng nông sản chế biến của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiếp cận với 25 thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thông tin, mỗi thị trường có một thị hiếu và đặc tính khác nhau, trong khi nông sản có tính chất mùa vụ, do đó, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, doanh nghiệp phải tính toán để đảm bảo đủ sản lượng quanh năm để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Để tiếp tục giữ vị thế xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trước hết là với 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa để nâng cao giá trị xuất khẩu, cũng như mở rộng sang các nước khác, nhằm phân tán lượng đầu tư xuất khẩu, giảm phụ thuộc quá lớn vào một nước, từ đó có thể tránh xảy ra những “cú sốc” khi có sự thay đổi về chính sách thương mại.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các đối tác nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Còn theo tiến sỹ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh các nước đều sẵn sàng sử dụng các công cụ phòng vệ để bảo vệ hàng hóa nội địa, doanh nghiệp xuất khẩu cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc này.
Bên cạnh việc tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.
“Về phía Bộ Công Thương, cần tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc thông tin kịp thời về những biến động chính sách từ thị trường nhập khẩu cũng như tiềm năng đối với hàng Việt xuất khẩu, đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến xuất khẩu và công tác cảnh báo sớm để bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài,” tiến sỹ Lê Quốc Phương khuyến nghị thêm./.