Hợp tác quốc tế mở rộng mạng lưới sưu tầm tư liệu Hán Nôm

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập, ngày 7/5 tại Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan - Trung Quốc) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề 'Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác'.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trong môi trường hiện đại.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, tư liệu Hán Nôm là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa thành văn của Việt Nam, ghi dấu lịch sử, văn hóa và tri thức của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều bộ sử, địa chí và thư tịch cổ đã bị thất lạc, hư hỏng do tác động của thời gian và chiến tranh. Việc sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và số hóa tư liệu Hán Nôm luôn được Viện Hàn lâm chú trọng nhằm phục vụ nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Đánh giá cao sáng kiến của Viện Thông tin Khoa học xã hội trong kết nối hợp tác nghiên cứu và bảo tồn tư liệu Hán Nôm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn cho rằng việc mở rộng mạng lưới trao đổi học thuật trong nước và quốc tế là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết, kho tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ tại Thư viện Khoa học xã hội có giá trị lớn với nhiều chủng loại, trong đó nhiều văn bản có niên đại gần 100 năm. Đặc biệt, đây là bộ sưu tập chứa đựng nhiều tài liệu độc bản, có giá trị đối chiếu, bổ sung cho các nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hùng Cường, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp và kết nối các kho tư liệu sẽ mở rộng khả năng khai thác và quảng bá rộng rãi hơn di sản Hán Nôm, đồng thời nâng cao năng lực phục vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Trong khuôn khổ hội thảo, các học giả quốc tế đã chia sẻ nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Giáo sư, Tiến sĩ Hang Xing, Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc) trình bày tham luận về Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí, đây là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn do Lê Quang Định biên soạn năm 1806. Theo giáo sư Hang Xing, tác phẩm ghi lại chi tiết các tuyến đường bộ và thủy từ kinh đô Huế đến các vùng miền trong cả nước, thể hiện nỗ lực gắn kết lãnh thổ sau khi đất nước thống nhất. Khác với các bộ địa chí sau này, Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí còn ghi chép sinh động các địa danh, phong tục, ca dao, tục ngữ bằng chữ Nôm, phản ánh sự phong phú văn hóa - địa lý của Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

Giáo sư, Tiến sỹ Huang Kuan-Min, Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan (Trung Quốc) trình bày tham luận về quan điểm “thường lý” trong tác phẩm Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Theo Giáo sư Huang Kuan-Min "thường lý” là những quy luật phổ biến trong đời sống, hình thành từ kinh nghiệm thực tiễn, nhận thức thông thường và quy luật tự nhiên. Từ đó, Lê Quý Đôn phê phán niềm tin tuyệt đối vào số mệnh, đề cao vai trò chủ động và đạo lý trong hành xử của con người. Quan điểm này phản ánh tinh thần gắn kết cộng đồng và coi trọng lý trí trong xã hội Việt Nam tiền hiện đại.

Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L đã đưa ra giải pháp khai thác và bảo vệ bản quyền tư liệu Hán Nôm trong môi trường số. Theo ông Hoàng Dũng, để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân lưu giữ tư liệu đồng thời phát huy giá trị kho dữ liệu Hán Nôm, cần tổ chức tài liệu theo bộ sưu tập số hóa tích hợp metadata, ứng dụng công nghệ quản lý quyền số nhằm kiểm soát truy cập và ngăn chặn sao chép trái phép. Những giải pháp này cần gắn liền với khung pháp lý về sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn, minh bạch trong khai thác tài nguyên số.

Hội thảo được tổ chức với Phiên toàn thể và bốn Phiên chuyên đề, tập trung vào các chủ đề: nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về Nho giáo và lịch sử-địa lý; sưu tầm, bảo quản và khai thác tư liệu Hán Nôm; nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về Phật giáo và Đạo giáo; nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về văn học, tục lệ, thần tích - thần sắc và văn bia. Các phiên thảo luận đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị kho tư liệu Hán Nôm trong bối cảnh hiện đại.

Các tham luận trình bày tại hội thảo không chỉ làm sáng tỏ giá trị lịch sử, văn hóa và tri thức của tư liệu Hán Nôm, còn nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ bản quyền, tăng cường số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu và mở rộng hợp tác quốc tế. Hội thảo góp phần định hướng các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu và khai thác tư liệu Hán Nôm, nhằm gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và quảng bá ra thế giới trong thời đại chuyển đổi số.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/hop-tac-quoc-te-mo-rong-mang-luoi-suu-tam-tu-lieu-han-nom-20250507194904072.htm
Zalo