Nghệ nhân Rơ Châm En: Hơn 50 năm 'giữ lửa' nghề dệt

Hơn 50 năm qua, nghệ nhân Rơ Châm En (SN 1949, làng Bàng, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài 'giữ lửa' cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Từ nhỏ, bà Rơ Châm En đã được mẹ và bà ngoại truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Năm 16 tuổi, bà tự tay dệt tấm vải đầu tiên và đến năm 20 tuổi có thể dệt hoàn chỉnh một số sản phẩm như: váy, áo, khăn, chăn… với các họa tiết đặc trưng của người Jrai, kể cả những hoa văn cầu kỳ.

 Nghệ nhân Rơ Châm En bên khung dệt. Ảnh: Đ.L

Nghệ nhân Rơ Châm En bên khung dệt. Ảnh: Đ.L

Theo nghệ nhân Rơ Châm En, thổ cẩm không chỉ là vật dụng sinh hoạt hay trang phục thuần túy mà là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Jrai. Mỗi hoa văn, màu sắc đều ẩn chứa ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, hình thoi tượng trưng cho sự sinh sôi, đường chéo tượng trưng cho rẫy nương, hình cỏ cây và động vật là biểu tượng kết nối giữa con người với thiên nhiên…

Hiện nay, thị trường tràn ngập các loại vải công nghiệp nhưng đồ thổ cẩm thủ công vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Jrai, đặc biệt vào những dịp lễ hội và sinh hoạt cộng đồng. Gần đây, nhiều bộ trang phục thổ cẩm đã được cách tân hiện đại, kết hợp hoa văn truyền thống với thiết kế mới, giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn với giới trẻ.

Bà En cho hay: “Mỗi tấm vải thường mất 7-15 ngày để hoàn thiện, tùy kích cỡ và mẫu mã. Khó nhất là công đoạn tạo hoa văn, bởi chỉ cần lệch một sợi cũng có thể mất đi sự cân đối của họa tiết. Những hoa văn có mức độ chi tiết cao như hình người, chim thú hay chữ viết thì cần thời gian gấp đôi. Toàn bộ sản phẩm được thực hiện thủ công theo đúng quy trình kỹ thuật dệt truyền thống và có giá dao động trong khoảng 400-800 ngàn đồng/tấm”.

Những năm qua, bà En còn chủ động truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong làng nhằm góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc. “Dệt thổ cẩm là tâm huyết của cuộc đời tôi. Bản thân tôi luôn sẵn lòng truyền dạy cho thế hệ trẻ để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống”-bà En khẳng định.

Trong số những người theo nghệ nhân Rơ Châm En học nghề có em Rơ Châm Thi (cùng làng). “Hơn 3 năm qua, mỗi khi học xong, em đều tranh thủ qua nhà bà En để học dệt. Bà dạy rất kỹ, từ cách lên khung đến phối màu, tạo hoa văn. Em mong sau này sẽ tiếp tục giữ gìn nghề của dân tộc mình”-Thi chia sẻ.

 Các sản phẩm của bà luôn sắc sảo và mang dấu ấn riêng. Ảnh: Đồng Lai

Các sản phẩm của bà luôn sắc sảo và mang dấu ấn riêng. Ảnh: Đồng Lai

Bà En cho rằng, khi truyền nghề cho thế hệ trẻ, điều quan trọng là giúp họ hiểu ý nghĩa các hoa văn và nắm chắc kỹ thuật cơ bản. Từ đó, họ sẽ dễ tiếp cận, thực hành và tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài dạy nghề tại làng, bà còn tích cực tham gia các hội thi, lễ hội văn hóa do chính quyền địa phương tổ chức. Bà từng đạt giải nhất tại Hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Chư Păh năm 2016, giải ba nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vào các năm 2024 và 2025.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Cheng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Nhin-cho biết: Bà Rơ Châm En là một trong những cá nhân tiêu biểu của địa phương trong hoạt động bảo tồn nghề truyền thống.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với bà En nói riêng và đội ngũ nghệ nhân nói chung đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời, tích cực giới thiệu sản phẩm qua các phiên chợ, lễ hội văn hóa, sự kiện du lịch… để nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm và lan tỏa văn hóa Jrai rộng rãi hơn đến du khách.

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-nhan-ro-cham-en-hon-50-nam-giu-lua-nghe-det-post322195.html
Zalo