3 trụ cột tăng trưởng và mục tiêu 3.000 tỷ đồng của Imexpharm
Luật Dược sửa đổi 2025 mở ra cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp có nền tảng công nghệ cao như Imexpharm - đơn vị sở hữu nhiều cụm nhà máy EU-GMP nhất Việt Nam.
Fitch Solutions dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD năm 2026, nhờ triển vọng tăng trưởng dài hạn và lợi thế cạnh tranh của phân khúc sản phẩm chất lượng cao.
Khi xác định dược là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhiều chính sách mới của Chính phủ.
Sức bật mới cho ngành dược nội
Luật Dược (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7, được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi tích cực cho ngành dược phẩm: Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước đạt chuẩn EU-GMP; tạo động lực đầu tư vào R&D, đẩy mạnh sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc generic đầu tiên; đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; quản lý chặt chẽ kinh doanh dược phẩm trên thương mại điện tử... Tất cả đều hướng đến đảm bảo nguồn cung thuốc chất lượng cao, hiệu quả và có giá hợp lý cho thị trường trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để mở rộng xuất khẩu.
Trong bối cảnh ngành dược bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhờ các chính sách mới, Imexpharm - doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng nhà máy và dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP - đang khẳng định vị thế tiên phong, sẵn sàng đón đầu xu hướng phát triển mới. Năm 2024, Imexpharm đạt doanh thu gộp 2.513 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trưởng trung bình 9% (loại trừ vaccine) của ngành dược nội địa (theo số liệu năm 2024 của IQVIA), trở thành một trong những công ty dược phẩm tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.

Nhà máy công nghệ cao đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.
Chia sẻ về động lực tăng trưởng bền vững của công ty, Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào - Tổng giám đốc Imexpharm - nhấn mạnh: “Có 3 yếu tố then chốt giúp Imexpharm duy trì đà tăng trưởng vượt trội. Đó là năng lực sản xuất chuẩn EU-GMP, danh mục kháng sinh thế hệ mới với độ phủ bệnh viện rộng khắp và mô hình vận hành tinh gọn, minh bạch, hiệu quả”.
Tầm nhìn chiến lược này tiếp tục được củng cố bằng kết quả kinh doanh quý I/2025 ấn tượng, với doanh thu thuần đạt 594 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, nhờ hiệu quả từ cả 2 kênh bệnh viện (ETC) và kênh bán lẻ (OTC).

Phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ Imexpharm 2025. Ảnh: Imexpharm.
Trên nền tảng ấy, từ năng lực sản xuất, danh mục sản phẩm chất lượng cao đến hệ thống phân phối rộng khắp và bộ máy quản trị hiện đại, Imexpharm tự tin hướng tới mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 2.981 tỷ đồng, tăng 18,6%, đánh dấu một năm bản lề cho giai đoạn phát triển dài hạn phía trước.
Động năng tăng trưởng từ dược công nghệ cao
Theo báo cáo thường niên 2024, lãnh đạo Imexpharm đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gộp bình quân 15%/năm giai đoạn 2024-2030, chú trọng mở rộng danh mục sản phẩm sang nhóm công nghệ cao, giá trị cao như thuốc tiêm và viên nén phân tán, nhóm điều trị mới như thuốc tiêu hóa, tim mạch và tiểu đường.
Ước tính, đây là các phân khúc có quy mô thị trường hơn 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) và tăng trưởng kép trên 8% trong 5 năm qua. Trong đó, thuốc điều trị tiểu đường tăng trưởng bình quân 13%/năm.
Đầu tư sâu vào R&D và phát triển các dòng kháng sinh thế hệ mới là hướng đi trọng yếu của Imexpharm trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.
Trong năm 2025, công ty dự kiến ra mắt 16 sản phẩm mới, tập trung vào các phân khúc công nghệ cao như thuốc “first generic”, thuốc tương đương sinh học và dạng bào chế phức tạp - những lĩnh vực đang dẫn dắt xu thế toàn cầu, khi thuốc đặc trị dự kiến chiếm 43% và thuốc sinh học chiếm 35% thị trường dược phẩm thế giới (theo IQVIA).
Để hiện thực hóa chiến lược đó, tổ hợp nhà máy dược phẩm Cát Khánh - một động lực tăng trưởng lớn của Imexpharm trong năm 2025 - sẽ được khởi công vào cuối năm 2025 theo chuẩn EU-GMP.
Với công suất thiết kế dự kiến trung bình đến 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm kể từ khi hoàn tất, vận hành toàn bộ dự án (sản lượng này có thể điều chỉnh theo thực tế từng giai đoạn), dự án được thiết kế trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao, đáp nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong và ngoài nước.

Nhân viên làm việc tại nhà máy đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm. Ảnh: Imexpharm.
Song song với đầu tư sâu vào sản phẩm và năng lực sản xuất, nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số cùng quản trị hiệu suất như những đòn bẩy then chốt, Imexpharm cũng tăng tốc mở rộng độ phủ thị trường theo chiều sâu lẫn chiều rộng, xác định miền Bắc là trọng điểm chiến lược trong kế hoạch phân phối toàn quốc.
Hiện nay, Imexpharm đã phủ sóng toàn quốc, đạt tỷ lệ phủ 70% các bệnh viện, top 3 kênh ETC với 2,5% thị phần - chỉ sau 2 tập đoàn dược nước ngoài và top 3 kênh OTC. Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác các chuỗi nhà thuốc nhằm mang lại hiệu quả tích cực về cả doanh số, thị phần và biên lợi nhuận.
Năm 2025, với định hướng “Kết nối khoa học - Tăng trưởng bền bỉ”, Imexpharm định vị là đơn vị tiên phong về công nghệ cao và đổi mới trong ngành dược Việt Nam.