Tướng tình báo, người hùng thầm lặng truyền lửa yêu nước
Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã có một người Việt Nam thầm lặng bước vào cơ sở của đối phương, mang về những thông tin quan trọng. Người ấy chính là Thiếu tướng Đặng Trần Đức, với bí danh Ba Quốc.

Khi nhắc đến những người hùng trong lịch sử, ta thường nghĩ đến những chiến công vang dội. Thế nhưng, có những người chọn cách góp phần vào lịch sử bằng sự âm thầm, nhưng đầy trí tuệ và bản lĩnh. Ông Ba Quốc là một trong những người như vậy.
Là một chiến sĩ tình báo lỗi lạc, ông góp phần vào những bước ngoặt lịch sử quan trọng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 1978. Thế nhưng, điều khiến ông trở nên đặc biệt không nằm ở danh hiệu ấy, mà ở chính sự bền bỉ, trí tuệ và lòng dũng cảm phi thường trong suốt hành trình cống hiến thầm lặng của mình. Trong suốt quá trình hoạt động, ông trải qua nhiều vị trí, đi từ tình báo viên trong chiến tranh, trở thành cán bộ tình báo rồi lãnh đạo tình báo quốc phòng sau chiến tranh.
Ông Ba Quốc sinh ra tại Hà Nội, và như một định mệnh, ông đã bước vào ngành tình báo. Với tấm lòng yêu nước và khối óc mưu trí, ông đã thực hiện những chiến công mà nhiều người khó tưởng tượng nổi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông là một trong số ít người thâm nhập thành công vào những “pháo đài” tưởng chừng không thể xâm phạm - Phủ Tổng thống và Đặc ủy Trung ương Tình báo của đối phương. Những tài liệu mật ông thu thập không chỉ đơn thuần là thông tin tình báo, mà chính là những "vũ khí vô hình" giúp thay đổi cục diện chiến tranh.
Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng đã tiết lộ về những nhiệm vụ tưởng như chỉ có trong phim ảnh, nhưng lại được thực hiện ngoài đời thực bởi một người đàn ông giản dị và khiêm nhường. Một trong những nhiệm vụ đáng nhớ là việc ông Ba Quốc đã cứu Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ, hay việc cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát…
Những chiến công ấy đã giúp giảm thiểu tổn thất xương máu trong cuộc chiến, đồng thời góp phần quan trọng vào thắng lợi của kháng chiến.

Sách Ông tướng tình báo và những điệp vụ siêu hạng.
Sau chiến tranh, ông Ba Quốc vẫn tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và Bắc, hỗ trợ Campuchia và xây dựng lực lượng tình báo quân sự để đối phó với tình hình quốc tế đầy biến động.
Ông luôn kiên cường và thầm lặng, luôn giữ vững lòng trung thành tuyệt đối với đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn cả, ông Ba Quốc đã để lại một tấm gương sống đẹp, sống tử tế và kiên định cho thế hệ sau noi theo.
Như nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ: “Đối với các bạn trẻ, dù theo đuổi nghề nghiệp gì, các bạn đều có thể học ở ông sự khiêm nhường và không háo danh. Người háo danh không thể làm được nghề tình báo, và cũng không thể đóng góp cho đất nước”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.