Ngôi chùa có tượng Bồ tát 4 mặt, cao 31m trên đỉnh Mã Lim

Chùa Cao ở thị trấn Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) mới được tôn tạo lại, có điểm nhấn là tượng Bồ tát Quan Thế Âm 4 mặt, cao 31m.

Chùa Cao hay còn gọi là Thiên Sơn tự hoặc Mành Sơn tự nằm ở thôn 6 (xưa là làng Tiên Hòa), thị trấn Hà Lĩnh, huyện Hà Trung.

Chùa tọa lạc ở lưng chừng núi Mành Sơn, ngọn núi mà người dân địa phương thường gọi với cái tên Mã Lim vì trước kia, trên núi này toàn cây lim.

Theo người dân địa phương, chùa có từ thời Lê. Qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa đã không còn những công trình kiến trúc cũ nữa mà chỉ còn lại nền móng và di vật sót lại là 1 bia rùa đá, 1 khánh đá, chân tảng đá, 5 bát hương đá, gạch và ngói cũ.

Toàn cảnh chùa Cao trên đỉnh Mã Lim. Ảnh: CT

Toàn cảnh chùa Cao trên đỉnh Mã Lim. Ảnh: CT

Trên văn bia, chữ đã bị mờ không còn đọc được nội dung, chỉ còn lại hoa văn trên trán bia thể hiện chủ đề “lưỡng long chầu nhật”. Các viên gạch và ngói có 2 loại với kiểu cách và kích thước hoàn toàn khác nhau. Trong đó, một loại gạch có in dòng chữ “La bách tính chỉ” và ngói mũi in cánh sen cách điệu vân mây.

Năm 2020, ngôi chùa bắt đầu được xây dựng lại, chia làm 2 tòa gồm Phật điện và phủ Mẫu. Đến cuối năm 2023, các hạng mục của chùa đã cơ bản hoàn thành, với điểm nhấn là pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao 31m, đế rộng 12m, quay mặt ra 4 hướng.

Điểm nhấn của ngôi chùa là tượng bồ tát Quan Thế Âm 4 mặt, cao 31m. Ảnh: CT

Điểm nhấn của ngôi chùa là tượng bồ tát Quan Thế Âm 4 mặt, cao 31m. Ảnh: CT

Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải - trụ trì chùa Cao, sở dĩ nhà chùa xây dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm 4 mặt là do núi Mã Lim nằm ở giữa xã, xung quanh có 4 làng. Khi tượng được xây dựng, các làng đều nhìn được mặt của Bồ tát, thể hiện yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Cũng theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, Quan Thế Âm là vị Bồ tát gần gũi với chúng sinh. Trong 4 mặt tượng, nhà chùa chọn 4 hóa thân tiêu biểu, gồm: Bồ tát cầm bình nước cam lộ, Bồ tát bế trẻ em, Bồ tát cầm cuốn thư và Bồ tát cầm tràng hạt.

Cầu kính là một hạng mục được du khách yêu thích. Ảnh: CT

Cầu kính là một hạng mục được du khách yêu thích. Ảnh: CT

Ý nghĩa của 4 hóa thân trên là khi người dân gặp điều không may trong cuộc sống đến thỉnh cầu sẽ được ngài dùng bình nước Cam lồ để hóa giải nghiệp chướng. Những ai hiếm muộn, nuôi con khó khăn thì tới cầu sẽ được Bồ tát phù hộ.

Tượng Bồ tát cầm cuốn thư biểu hiện trí tuệ, việc học hành, công danh, sự nghiệp. Bồ tát cầm tràng hạt là hướng đến tu tập, giác ngộ.

Ngoài tượng Bồ tát Quan Thế Âm, chùa Cao còn xây dựng cây cầu kính trên hình bàn tay Phật, trở thành địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ.

Tiểu cảnh trong khuôn viên chùa Cao. Ảnh: CT

Tiểu cảnh trong khuôn viên chùa Cao. Ảnh: CT

Theo lãnh đạo thị trấn Hà Lĩnh, chùa Cao là một trong số ít những ngôi chùa ở tỉnh Thanh Hóa hội tụ được nhiều yếu tố có thể phát triển du lịch như lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo.

Từ đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh không gian thanh tịnh, núi non trùng điệp và những nếp nhà ven sườn núi Mã Lim. Đặc biệt, ngôi chùa nằm cạnh đường cao tốc Bắc - Nam, gần với các điểm du lịch tâm linh khác nên rất thuận tiện cho du khách khi về với xứ Thanh.

Các công trình trên chùa đang tiếp tục được hoàn thiện. Ảnh: CT

Các công trình trên chùa đang tiếp tục được hoàn thiện. Ảnh: CT

Với sự độc đáo riêng, chùa Cao đang trở thành điểm đến thu hút du khách thập phương. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, chùa đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-chua-co-tuong-bo-tat-4-mat-cao-31m-tren-dinh-ma-lim-2398034.html
Zalo