Tái chế cánh quạt turbine gió thành vật liệu nhựa đường
Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển thành công một công nghệ tiên tiến có thể tạo bước đột phá trong việc tái sử dụng các cánh quạt turbine gió đã ngừng hoạt động.
Trong khi các bộ phận thân turbine, trục và hộp số có thể được tái chế như các phế liệu kim loại, các cánh quạt lại khó có thể tái sử dụng. Được làm bằng vật liệu composite như sợi thủy tinh, sợi carbon và nhựa epoxy, các cánh tuabin gió nhẹ, chắc và có khả năng chống chịu thời tiết cao. Tuy nhiên, chính những đặc tính này lại khiến các cánh quạt khó để tái chế hoặc chi phí tái chế cao. Hiện trên thế giới chưa có phương pháp nào hiệu quả và có thể nhân rộng quy mô để tái chế những vật liệu này.
Sau 5 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu dẫn đầu do ông Tang Zhicheng, tại Viện Vật lý Hóa học Lan Châu (Lanzhou) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã công bố giải pháp không chỉ xử lý được kết cấu khổng lồ này mà còn biến chúng thành nguồn vật liệu có giá trị, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo. Nhóm nghiên cứu đã giải quyết vấn đề bằng cách tận dụng các đặc tính riêng của các cánh quạt đã ngừng hoạt động như trọng lượng nhẹ, độ bền cao và khả năng chống ăn mòn. Thông qua biện pháp kết hợp nghiền nát và xử lý hóa học, nhóm đã cải tiến thành công các cánh quạt để đưa vào hỗn hợp nhựa đường và bê tông xi măng.
Các nhà nghiên cứu đã hợp tác với một công ty xây dựng đường bộ trong nước và thử sử dụng hỗn hợp nhựa đường cải tiến kết hợp các cánh quạt tuabin đã ngừng hoạt động cho một đoạn đường cao tốc ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, vào tháng 9/2024. Sau hơn 5 tháng vận hành khai thác tuyến đường, lãnh đạo công ty xây dựng đánh giá tích cực về chất lượng của đoạn đường được trải hỗn hợp nhựa đường nói trên. Mặt đường không có vết nứt, vết lún hoặc bị bong tróc, cho thấy tính khả thi của phương pháp tái chế này.
Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ mới sẽ được thử nghiệm cho nhiều dự án hơn trong năm nay, với sự hợp tác liên tục giữa các viện nghiên cứu và các đối tác trong ngành. Nỗ lực này nhằm cung cấp một giải pháp đáng tin cậy và có thể nhân rộng quy mô để tái chế các cánh quạt turbine gió đã kết thúc vòng đời.
Ông Tang cho biết, khi công nghệ tái chế phát triển, nhiều cánh quạt turbine gió cũ có thể được tái sử dụng thành "nguồn tài nguyên khoáng sản của đô thị" có giá trị cao. Sự thay đổi này không chỉ thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển bền vững, mà còn góp phần giúp Trung Quốc tiến tới mục tiêu đến năm 2030 đạt đỉnh phát thải carbon và đến năm 2060 đạt được trung hòa carbon.