Giới lừa đảo tại Philippines nhắm vào tác giả tự xuất bản Mỹ
Tờ Rappler trích dẫn một số nguồn tin trong cuộc cho biết, Cebu (Philippines) đã trở thành một trung tâm lừa đảo nhắm vào các tác giả tự xuất bản tại Mỹ.
![Ảnh minh họa: Outsource Accelerator.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51484617/5aa30122326cdb32827d.jpg)
Ảnh minh họa: Outsource Accelerator.
"Tôi có thể xác nhận rằng Cebu là nơi có rất nhiều vụ lừa đảo xuất bản. Tất cả chúng đều sử dụng cùng một chiến thuật và hoạt động rất giống với Innocentrix/PageTurner", nhà văn Victoria Strauss chia sẻ với Rappler trong một email. Strauss là đồng sáng lập của trang web Writer Beware, nơi vạch trần các vụ lừa đảo và các hành vi xấu khác trong ngành xuất bản.
Những người trong cuộc cho biết các hoạt động lừa đảo xuất bản diễn ra ở khu vực Capitol tại thành phố Cebu, Công viên công nghệ thông tin Cebu, thành phố Mandaue và thành phố Lapu-Lapu. Trong đó, các hoạt động lớn nhất là ở thành phố Mandaue.
Lừa đảo “pig-butchering”
Vụ bắt giữ vào tháng 12/2024 đối với Chủ tịch kiêm CEO Innocentrix Philippines là Michael Cris Traya Sordilla và Phó chủ tịch hoạt động Bryan Navales Tarosa đã hé lộ một ngành công nghiệp chuyên săn đón các tác giả dễ bị tổn thương, chủ yếu là người lớn tuổi, bằng những lời hứa về danh tiếng và lợi nhuận bất ngờ, miễn là họ trả tiền trước. Quy mô của chúng lớn đến mức Strauss mô tả đây là "một ngành công nghiệp ngầm ở Philippines".
![Innocentrix đã đóng cửa văn phòng. Ảnh: Rappler.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51484617/666b3fea0ca4e5fabcb5.jpg)
Innocentrix đã đóng cửa văn phòng. Ảnh: Rappler.
Trong một diễn biến khác, có hai người đã bị bắt tại Mỹ cùng với Gemma Traya Austin, được xác nhận là một đại diện văn học thuộc công ty PageTurner Press and Media. Họ bị buộc tội lừa đảo hơn 800 tác giả với tổng số lên tới 44 triệu USD.
Theo các khiếu nại, PageTurner và Innocentrix đóng vai là các đại diện văn học và CEO hãng phim giả vờ quan tâm đến việc tái bản hoặc chuyển thể tác phẩm của nhiều tác giả. Chúng liên hệ với các nhà văn qua điện thoại hoặc email để xây dựng lòng tin và sau đó đưa ra những lời hứa sai sự thật rằng một nhà xuất bản, hãng phim hoặc dịch vụ phát trực tuyến quan tâm đến tác phẩm của họ. Chúng cũng hứa sẽ trả các khoản thanh toán lớn trong tương lai khi các thỏa thuận được hoàn tất.
Sau đó, chúng đề nghị các tác giả trả tiền cho một số khoản thuế và phí giao dịch trước khi hợp đồng có thể tiến triển. Các nhà văn cũng được yêu cầu trả tiền cho nhiều dịch vụ khác nhau như bảo hiểm sách, quảng cáo, cập nhật tác phẩm hoặc tạo trang web, chiến dịch truyền thông xã hội, kịch bản hoặc sách nói. Sau khi thu được tiền, các đại diện văn học này cắt đứt liên lạc và biến mất.
Cách thức hoạt động như vậy là một loại "lừa đảo pig butchering", còn gọi là “mổ heo”, tiến hành lừa đảo trong một khoảng thời gian và yêu cầu nạn nhân trả số tiền ngày càng tăng lên. Strauss cho biết đây là thủ đoạn của nhiều hoạt động lừa đảo xuất bản ở Philippines.
Trang web Writer Beware đã liệt kê trong "Danh sách lừa đảo ở nước ngoài" một số thực thể trực thuộc The Pasaporte Group, trong đó có Better Bound House (BBH), Digital Axis Media, Media Lexus, Paramount Book và Greendot Films, đặt trụ sở hoạt động tại Cebu.
Pasaporte, người sáng lập tập đoàn trên, cùng các đồng phạm, đã bị kiện tại Mỹ. Tighe Taylor, một tác giả sống tại Los Angeles, đã khởi kiện Pasaporte. Theo đơn kiện, Taylor nhận được một email từ Greendot Films đề nghị chuyển thể cuốn sách của ông thành phim hoặc chương trình truyền hình. Email này đến từ các đại diện văn học tại Cebu.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành, Taylor được thông báo cần mua dịch vụ sản xuất từ BBH và sẽ phải trả 9.000 đô USD cho một kịch bản và tóm tắt phim. Tác giả cho biết ông đã trả số tiền đó nhưng sau đó không nhận được sản phẩm. Taylor đã đề nghị tòa án xét yêu cầu bồi thường tổng cộng 156.000 USD.
Pasaporte thông tin với Rappler trong một email rằng vấn đề này đã được giải quyết nhưng không cung cấp chi tiết. Các trang web của cả sáu công ty có liên kết đến Pasaporte, được liệt kê trên Writer Beware, đều đã ngừng hoạt động.
Cơ chế lừa đảo hào nhoáng
Những vụ việc lùm xùm này là một bước lùi lớn đối với Pasaporte, người từng chi một số tiền lớn để đăng bài quảng cáo về sự kiện mừng sinh nhật ngày 4/5/2023 trên tờ SunStar Cebu. Sự kiện “This is Me: The Arvin Jay Pasaporte Birthday Concert” được tổ chức tại NUSTAR Resort and Casino sang trọng và bài viết được đăng với tiêu đề “Từ nghèo khó đến giàu sang: Hành trình thành công của Arvin Jay”.
Nhiều người trong cuộc cho biết những ông chủ điều hành xuất bản này thường có câu chuyện từ nghèo khó đến giàu sang và phô trương sự giàu có.
Sordilla, kẻ bị bắt tháng 12/2024, nổi tiếng là người vung tiền vào các buổi tụ họp trong khi trang Facebook của Tarosa có một bài đăng được ghim về cách tên này xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình “không phải để khoe khoang mà là để truyền cảm hứng”.
“Họ thích khoe khoang”, một người trong cuộc nói.
Innocentrix cũng nổi tiếng là công ty thường đăng bài trên Facebook về khoản hoa hồng khổng lồ, lên tới hàng triệu peso, cho các đại diện văn học của mình. Những con số này đã gây ra sự nghi ngờ của Mike Cubos, CEO của công ty xuất bản hoạt động hợp pháp Performance360 Global Services Incorporated.
“Quay trở lại năm 2022 và 2023, tôi thực sự nghi ngờ. Làm sao họ có thể trả hoa hồng 1 triệu peso, 2 triệu peso? Khi tôi tính toán, chắc chắn có điều gì đó không ổn. Làm sao họ có thể đưa ra con số đó dựa trên mức tối đa là 5% doanh thu? Đây là những con số khổng lồ”, Cubos cho biết.
Một cựu nhân viên của Innocentrix chia sẻ rằng họ được giao hạn ngạch rất cao với khách hàng. “[Nhân viên] phải hứa hẹn quá mức với khách chỉ để có thể thu được tiền. Họ chỉ cố gắng đáp ứng hạn ngạch vô lý được đặt ra cho họ. Họ phải lựa chọn: lừa đảo tác giả hoặc chính bản thân phải đối mặt với một vụ kiện bồi thường thiệt hại đang chờ sẵn vì không đáp ứng được hợp đồng lao động”, nguồn tin, yêu cầu giấu tên, cho biết.
Cubos, công ty đã mất một số nhân viên vào tay Innocentrix, cho biết nhiều nhân viên cuối cùng đã phải nghỉ việc vì những yêu cầu khắc nghiệt.
Gây tổn hại cho ngành BPO
Trên thực tế, Sordilla và nhiều người tham gia liên quan tới các hoạt động lừa đảo này đã bắt đầu tham gia mảng tự xuất bản bằng cách làm việc cho các nhà xuất bản danh tiếng triển khai dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) tại Cebu như Tate Publishing, Xlibris và Author Solutions.
Theo một người trong cuộc khác, có nhiều người từng làm cho các đơn vị xuất bản lớn, sau đó tự thành lập hoạt động kinh doanh của riêng họ. Sẽ dễ dàng bắt đầu nếu biết được các quy trình.
Trong khi hoạt động kinh doanh hợp pháp có thể làm thị trường tự xuất bản thêm đa dạng thì một số nhà lãnh đạo ngành cảnh báo rằng các hoạt động lừa đảo này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của ngành BPO Philippines.
Cubos cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc trấn áp các hoạt động lừa đảo, điều đang gây ảnh hưởng đến các công ty BPO vừa và nhỏ như công ty của ông. Ông cho biết khi nói đến gian lận trong xuất bản, Philippines đứng đầu thế giới, dựa trên thông tin trên trang web Writer Beware.
Theo Cubos, trong khi chính phủ Philippines đang tập trung vào việc tạo việc làm thì cũng nên quan tâm hơn tới các vấn đề liên quan đến các BPO vừa và nhỏ, điều thường bị các hiệp hội ngành bỏ qua.