Bộ khung robot tích hợp AI giúp du khách Trung Quốc chinh phục ngọn núi khắc nghiệt nhất

Với độ cao chót vót 1.500 m và hơn 7.000 bậc thang, núi Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nổi tiếng với khả năng 'làm mềm đôi chân' của bất kỳ ai dám chinh phục nó.

Những người leo núi ngắm bình minh vào ngày đầu năm mới trên núi Thái Sơn vào ngày 1/1/2025, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Những người leo núi ngắm bình minh vào ngày đầu năm mới trên núi Thái Sơn vào ngày 1/1/2025, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Douyin (phiên bản nội địa của TikTok), vô số video ghi lại cảnh những người leo núi dù khỏe nhất cũng run rẩy, kiệt sức, thậm chí có người bò xuống bằng cả tay chân.

Một số du khách thuê “bạn đồng hành leo núi” để giúp họ lên đến đỉnh.

Nhưng giới chức du lịch Sơn Đông đã đưa ra một giải pháp khác: đôi chân robot.

Ngày 29/1, tức mùng Một Tết Nguyên đán, 10 bộ khung xương tích hợp AI lần đầu ra mắt tại núi Thái Sơn, thu hút hơn 200 người dùng trong tuần thử nghiệm với mức phí từ 60-80 NDT (tương đương 210.000-280.000 đồng) mỗi lượt, theo Tân Hoa Xã.

Thiết bị này do Tập đoàn Du lịch Văn hóa Thái Sơn hợp tác phát triển cùng công ty công nghệ Kenqing có trụ sở tại Thâm Quyến. Theo giới thiệu của công ty, bộ khung được thiết kế ôm quanh eo và đùi người dùng, có trọng lượng chỉ 1,8 kg.

Được vận hành bằng thuật toán AI, thiết bị có thể cảm nhận chuyển động của người đeo và cung cấp “hỗ trợ đồng bộ” nhằm giảm tải áp lực lên đôi chân.

Mỗi bộ khung sử dụng 2 viên pin, có thời lượng khoảng 5 giờ, theo ông Wang Houzhe, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Du lịch Văn hóa Thái Sơn. Trong khi đó, hành trình leo lên đỉnh núi thường mất khoảng 6 giờ.

“Nó thực sự hiệu quả!”, ông Li Chengde, một du khách 68 tuổi đến từ thủ phủ Tế Nam, chia sẻ với Tân Hoa Xã sau khi trải nghiệm thiết bị. “Cảm giác như có ai đó kéo tôi lên dốc vậy!”.

“Thiết bị này có thể giúp nhiều người leo lên núi và ngắm cảnh Thái Sơn mà không quá vất vả”, ông Wang nói với truyền thông nhà nước.

Jacky, một nhà sáng tạo nội dung tại Sơn Đông (đề nghị dùng biệt danh vì lý do riêng tư), đã thử nghiệm thiết bị này trong 30 phút và leo được hàng trăm bậc thang vào ngày 9/2.

Dù có chung đánh giá tích cực với nhiều người khác, ông vẫn cho rằng sản phẩm cần cải tiến thêm.

“Trải nghiệm thực sự dễ dàng hơn”, ông nhận xét về việc leo núi với thiết bị. “Nhưng khi tháo nó ra, tôi cảm thấy bước đi hơi lóng ngóng”.

Người đàn ông 29 tuổi này nói rằng mình như một “con rối” khi máy móc làm hết phần việc, nhưng một khi quen với cảm giác không cần dùng nhiều sức, thì sau đó việc tự leo lại trở nên “vô cùng mệt mỏi”.

Ông Jacky cũng thấy thiết bị khá bất tiện khi cần đi vệ sinh hoặc buộc dây giày. Việc đeo và tháo bộ khung cần thêm người hỗ trợ, và nếu ngồi xổm hoàn toàn có thể làm đứt dây đai cố định.

Ngoài ra, pin của thiết bị cũng cần được nâng cấp.

Ông Wang cho biết nhóm nghiên cứu sẽ kéo dài thời lượng pin và bố trí các điểm thay pin dọc đường leo núi.

Hiện bộ khung vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến ra mắt thị trường vào đầu tháng 3, theo chính quyền địa phương.

Dù còn một số hạn chế, ông Jacky đánh giá đây là “sản phẩm tốt” và mang lại “lợi ích thực sự” cho người cao tuổi, trẻ em và du khách gặp khó khăn trong di chuyển. Một nửa số người dùng thử thiết bị trên núi Thái Sơn là người cao tuổi.

Bên cạnh việc hỗ trợ leo núi, những bộ khung đi bộ này còn làm dấy lên các cuộc thảo luận trực tuyến về tiềm năng ứng dụng rộng hơn, đặc biệt trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng.

Năm ngoái, 22% dân số Trung Quốc trên 60 tuổi đã vượt mốc 400 triệu người, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào năm 2035.

Thị trường chăm sóc người cao tuổi thông minh tại Trung Quốc cũng được ước tính đạt 6,8 nghìn tỷ NDT (tương đương 934 tỷ USD) vào năm 2024, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Kenqing Technology, đồng phát triển bộ khung robot, đang nhắm đến thị trường chăm sóc người già rộng lớn này. Công ty đã ra mắt một phiên bản khung xương ngoài dành riêng cho người cao tuổi, nặng 2,4 kg và được bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao với giá 17.000 NDT (59,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của robot chăm sóc người già, giới chuyên gia nhận định cần có thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để mở rộng sản xuất và đảm bảo giá thành hợp lý.

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-khung-robot-tich-hop-ai-giup-du-khach-trung-quoc-chinh-phuc-ngon-nui-khac-nghiet-nhat-post182772.html
Zalo