Hà Nội tìm kiếm hơn 100.000 lao động cho nhiều ngành nghề
Hà Nội đang cần hơn 100.000 lao động trong quý 1/2025, với nhu cầu trải rộng ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại, dịch vụ và logistics, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực sau Tết.
![Nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết tăng cao. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51481645/b6648584b6ca5f9406db.jpg)
Nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết tăng cao. Ảnh minh họa
Ngành công nghệ thông tin dẫn đầu về nhu cầu việc làm tại Hà Nội
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, trong tháng 1/2025, thành phố đã hỗ trợ tạo việc làm cho 6.889 lao động từ nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, 1.374 lao động tìm được việc sau khi tham gia các phiên giao dịch việc làm, 211 lao động xuất cảnh theo diện xuất khẩu lao động, 1.634 người có việc làm thông qua các dịch vụ cung ứng lao động của doanh nghiệp, và 9.256 lao động được giải quyết việc làm qua nhiều hình thức khác.
Theo Báo Lao động Thủ đô, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, ngay trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, lượng người lao động đến tìm việc tăng mạnh. Đặc biệt, vào ngày cao điểm đầu tuần, trung tâm đã tiếp nhận gần 1.300 lao động và hơn 30 doanh nghiệp đến giao dịch.
Trong quý 1/2025, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Hà Nội dự kiến dao động từ 100.000 đến 120.000 vị trí, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số, dịch vụ lưu trú - ăn uống, bất động sản và logistics...ông Thành thông tin.
Trong đó, ngành công nghệ thông tin tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực với các vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và kỹ sư an ninh mạng. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và logistics chú trọng tuyển dụng kỹ sư tự động hóa, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng và quản lý chất lượng nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành và đón đầu xu hướng công nghệ mới.
Trong tháng 1/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch với sự tham gia của 751 doanh nghiệp, tổng nhu cầu tuyển dụng và tuyển sinh lên tới 10.972 người. Kết quả, 4.008 lao động được phỏng vấn trực tiếp và 1.374 người tìm được việc làm ngay tại phiên.
Ổn định và phát triển thị trường lao động sau Tết
Dù thị trường lao động có nhiều tín hiệu tích cực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn cảnh báo về một số biến động có thể xảy ra sau Tết, chẳng hạn như tình trạng lao động không quay lại làm việc do chuyển đổi nghề nghiệp hoặc thay đổi nơi ở. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ trong ngắn hạn. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai các chính sách giữ chân nhân sự, nâng cao chế độ đãi ngộ nhằm hạn chế sự dịch chuyển lao động sau Tết.
Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động từ các đơn vị sự nghiệp có thể tham gia thị trường lao động sau quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, đặt ra thách thức mới trong việc kết nối cung - cầu việc làm.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 169.000 lao động trong năm 2025, đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.
Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Đề án này hướng đến việc xây dựng một thị trường lao động minh bạch, linh hoạt và phát triển bền vững.
Ngoài việc duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày trên toàn hệ thống, Hà Nội cũng tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố khác để kết nối thị trường lao động liên vùng. Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, chuyên đề cũng sẽ được đẩy mạnh, giúp người lao động tiếp cận nhiều hơn với cơ hội việc làm chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm trên địa bàn.