ASEAN trước hơi nóng cuộc chiến thương mại
Đông Nam Á được dự đoán sẽ bị ngập tràn bởi dòng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, phải chuyển hướng từ thị trường Hoa Kỳ sau khi bị áp thuế nhập khẩu. Để chống chọi trước cơn sóng thần này, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần đoàn kết trong một phản ứng chung thay vì phản ứng riêng lẻ, sử dụng các công cụ và thể chế thương mại có sẵn; đồng thời tham gia đối thoại với Trung Quốc để đưa ra các biện pháp bảo vệ hợp pháp, lâu dài nhằm tránh leo thang các biện pháp bảo hộ.
Tác động của cuộc chiến thương mại
Thị trường nội địa của các nước Đông Nam Á sắp phải hứng chịu cơn sóng thần hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, vốn không thể vào Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Đông Nam Á cũng sẽ được áp đặt như một phần của mức thuế toàn diện 10 - 20% mà Tổng thống Mỹ đã yêu cầu đối với tất cả hàng nhập khẩu. Nguy cơ này đòi hỏi một phản ứng chung từ ASEAN thay vì các quốc gia tìm cách thực hiện các thỏa thuận riêng lẻ với Nhà Trắng, như đã xảy ra ở một mức độ nào đó vào năm 2018. Một phản ứng quyết đoán và từ sớm từ xa của ASEAN có thể thúc đẩy một nhóm các quốc gia rộng lớn hơn cùng giữ cho thị trường toàn cầu mở cửa.
Các chính phủ trong khu vực đã luôn đứng trước áp lực phải bảo vệ thị trường nội địa trước làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang trong nửa thập kỷ qua. Với thặng dư thương mại năm 2024 của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 992 tỷ USD, các quốc gia như Indonesia đã tăng cường sử dụng thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá và tăng cường nỗ lực ngăn chặn hàng nhập khẩu bất hợp pháp. Các doanh nghiệp ở một số nước cũng đã vận động chính phủ của họ bảo vệ trước tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.
![Nguồn: Asia Times](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51481233/3cb37aa448eaa1b4f8fb.jpg)
Nguồn: Asia Times
Cũng phải nói rằng, không ít doanh nghiệp Đông Nam Á đã hưởng lợi khi hàng hóa và nguồn vốn của Trung Quốc được chuyển hướng sang các nước này để tái xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cho dù giá trị đã được thêm vào trước khi xuất khẩu hay hàng hóa chỉ được đổi nguồn gốc thành của Đông Nam Á, thì hiện tại các doanh nghiệp này cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu của thuế quan Hoa Kỳ theo quy định mới của Tổng thống Trump.
Thuế quan thương mại là một “căn bệnh lây lan”. Khi một nước dựng lên hàng rào bảo vệ, các nước khác sẽ đứng trước áp lực trả đũa và đáp trả. Hệ quả là cả thế giới trở thành một thị trường đóng và điều này chỉ khiến các quốc gia trở nên khánh kiệt.
Điều thúc đẩy Mỹ quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ là sau khi nước này trải qua cú sốc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào thời điểm Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Không chỉ Mỹ, cả Nhật Bản, Australia và các nền kinh tế tiên tiến khác đã vượt qua cú sốc và sau đó hưởng lợi. Bản thân Mỹ cũng đã đạt được lợi ích rất lớn từ việc Trung Quốc gia nhập WTO trong khi một số cộng đồng và một số lĩnh vực nhất định chịu thiệt hại, cho thấy các chính sách của Mỹ chưa toàn diện trong giải quyết những tổn thất này.
Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập WTO và từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, FTA lớn đầu tiên mà Trung Quốc ký kết sau khi gia nhập WTO. Ngành công nghiệp Đông Nam Á phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp hơn từ Trung Quốc so với ngành công nghiệp Hoa Kỳ, nhưng khu vực này đã vượt qua và hưởng lợi từ đó. “Cú sốc hàng hóa giá rẻ” đã được tránh ở Đông Nam Á vì họ đã kịp thời điều chỉnh. Những cơ hội mới mở ra cho khu vực khi các công ty Đông Nam Á tham gia vào chuỗi giá trị chung. Những ngành hoặc doanh nghiệp bị cạnh tranh cũng nhanh chóng được tái cơ cấu.
Xuất khẩu của ASEAN đã tăng 480% kể từ đầu thế kỷ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Những lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa tăng tốc cũng được chia sẻ bình đẳng hơn trên toàn xã hội.
Tuy nhiên, bất kể thị trường có linh hoạt đến đâu, tăng trưởng nhanh đến đâu và chế độ bảo vệ xã hội tốt đến đâu thì một cơn sóng thần bất ngờ từ hàng nhập khẩu giá rẻ chuyển hướng khỏi thị trường Hoa Kỳ trong thời gian ngắn sắp tới sẽ khiến quá trình đối phó trở nên khó khăn.
Chiến lược ba mũi nhọn
Các chuyên gia cho rằng, có một chiến lược có thể bảo vệ lợi ích trước mắt và lâu dài của Đông Nam Á.
Trước tiên, các quốc gia Đông Nam Á cần thống nhất trong một phản ứng chung. Các cường quốc có xu hướng thích giải quyết song phương. Indonesia là thành viên tương đối mạnh hơn so với các nước khác trong khu vực, nếu làm việc chung với ASEAN, họ sẽ có sức mạnh tổng hợp của mười quốc gia cộng lại. Khi hành động cùng nhau, ASEAN có thể thúc đẩy hành động và đòn bẩy hiệu quả hơn trên toàn cầu, điều này sẽ rất quan trọng trong việc ứng phó với Hoa Kỳ hay bất kỳ tác động nào từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, ASEAN và các quốc gia thành viên nên phản ứng bằng các công cụ và thể chế mà mình có, trong khuôn khổ các cam kết khu vực và đa phương mà ASEAN đã đàm phán vì lợi ích của chính mình. Các cơ chế khắc phục thương mại hiện có bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu và giá cả không công bằng. Các biện pháp này được phép áp dụng trong các hiệp định thương mại quốc tế và không đổ lỗi cho các quốc gia khác. Chúng nhằm mục đích bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi bị tổn hại do sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu và bán phá giá. Các biện pháp như vậy giúp kéo dài thời gian để giải quyết các chi phí điều chỉnh trong một khung thời gian dễ quản lý hơn và tạo không gian cho các quốc gia đánh giá cách hỗ trợ tốt nhất cho ngành sản xuất của họ.
Cuối cùng, ASEAN cũng cần làm việc với Trung Quốc. Đối thoại với Bắc Kinh có thể chỉ ra các biện pháp bảo vệ hợp pháp, chính đáng cần thiết để ứng phó với bất kỳ đợt tăng đột biến nào trong thương mại, cũng như tìm ra các giải pháp lâu dài tránh leo thang các biện pháp bảo hộ, như đầu tư vào chuỗi cung ứng phục hồi.
ASEAN đã có những cơ chế hữu hiệu mà Trung Quốc cũng là bên tham gia, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP đã thiết lập các quy trình để các quan chức chính phủ và bộ trưởng gặp gỡ, và một quy trình hội nghị lãnh đạo có thể phối hợp hành động khi khủng hoảng có nguy cơ xảy ra. Bây giờ là lúc đưa quan hệ đối tác kinh tế toàn diện này vào hoạt động.
Sự phát triển của Đông Nam Á là kết quả của tiến trình hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện với sự tin tưởng vào một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ hoạt động hiệu quả. Hệ thống này đang bị đe dọa, nhưng chắc chắn không thể sụp đổ. ASEAN đủ quan trọng và sức nặng để có thể bảo vệ và thúc đẩy hệ thống này phát triển. Nếu không có phản ứng quyết liệt, đến lượt ASEAN sẽ phải gánh chịu rủi ro từ sự suy yếu của hệ thống.