Giải trình, làm rõ các tồn tại, hạn chế
Chiều 4-12, dưới sự điều hành của các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận. Phiên họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác cải cách hành chính (CCHC). Nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Việt, Tổ đại biểu HĐND huyện Yên Sơn cho rằng, đã có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò trách nhiệm người đứng đầu được nâng cao, kỷ luật kỷ cương hành chính ngày càng được đảm bảo. Năm 2023 các Chỉ số CCHC được cải thiện tăng 18 bậc đứng vị trí 16/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng được cải thiện đáng kể, tăng 16 bậc so với năm 2022.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tổng thể CCHC vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ngành còn chưa cao; việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp ở một số cơ quan còn quá hạn; còn có cán bộ, công chức chưa chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đến mức phải xử lý; hệ thống mạng dùng chung giữa các cơ quan chưa đồng bộ.
Đại biểu đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục bám sát kế hoạch của UBND tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công, bộ phận 1 cửa các cấp; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả gắn với tinh giản biên chế; thúc đẩy chuyển đổi số trên các nền tảng số. Đặc biệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính chính là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch về không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Đến nay, việc không dùng đã và đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Tuy nhiên mỗi cơ quan chi trả tiền lương qua tài khoản ngân hàng khác nhau dẫn đến một người có nhiều tài khoản, lãng phí việc chi trả phí quản lý tài khoản ngân hàng.
Thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất còn nhiều vấn đề vướng mắc dẫn đến việc giải quyết các TTHC về đất đai còn chậm, nhiều khiếu nại ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người dân, tình hình an ninh trật tự. Đại biểu Hà cho rằng, nguyên nhân chính là việc thực hiện của cơ quan chức năng chưa nghiêm; việc tiếp nhận hồ sơ về đất đai chưa linh hoạt, còn hồ sơ trả lại nhiều lần; cơ quan đo đạc không đảm bảo kinh phí hoạt động, thiết bị lạc hậu; đia phương gặp khó khăn về tài liệu xác minh nguồn gốc đất...
Để khắc phục tồn tại cần bổ sung quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cần có chính sách khuyến khích việc trích đo thửa đất đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đại biểu cũng phản ánh việc cấp phiếu lý lịch tư pháp còn một số vướng mắc gây khó khăn cho người dân khi thực hiện trực tuyến trên ứng dụng, đề nghị cơ quan chuyên môn cần khẩn trương khắc phục.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự
Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu HĐND huyện Hàm Yên cho rằng, những chuyển biến tích cực và kết quả của các cơ quan tư pháp, thi hành án trong năm 2024 đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân.
Hiện diễn biến tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực sẽ còn có nhiều phức tạp, xuất hiện nhiều nguyên nhân, điều kiện mới làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật, nhiều thủ đoạn mới tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng, dự báo các vi phạm về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người, kể cả về thiệt hại tài sản. Bên cạnh đó tội phạm có tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt, tham ô tài sản, đánh bạc trên Internet, mua bán người…tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp, gây tâm lý lo lắng, bất an trong Nhân dân.
Đại biểu đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp tục tổng hợp, đánh giá rõ nguyên nhân của từng loại vi phạm pháp luật; những bất cập trong thực hiện pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo quy định; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tháo gỡ.
Các cơ quan tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên phải thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan có liên quan phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp, thi hành án trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc.
Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu Sơn Dương đề nghị Công an tỉnh tập trung các giải pháp răn đe kịp thời đối với trẻ em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Bậc phụ huynh cũng không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện.
Hiện toàn tỉnh có 2.304 trường hợp hoàn thành việc chấp hành án tù, trong số đó có 66 người tái phạm. Đại biểu cho rằng nguyên nhân là ngoài việc thiếu tu dưỡng của đối tượng thì việc quan tâm của gia đình, địa phương cũng là một nguyên nhân lớn. Đại biểu đề nghị Công an tỉnh phối hợp nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng với việc phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, quan tâm tạo điều kiện từ chính mỗi gia đình, động viên gặp gỡ giúp họ vượt qua mặc cảm tái hòa nhập công đồng, dạy nghề, tạo việc làm.
Giải trình cụ thể các vấn đề tồn tại hạn chế
Các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận đã được các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành trả lời, làm rõ và trình bày các giải pháp thực hiện trong thời gian tới một cách cụ thểm thấu đáo.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ thêm một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; công tác phân bổ nguồn vốn thực hiện các dự án trên địa bàn; việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Đại biểu Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cũng đã giải trình một số nguyên nhân chậm giải ngân đối với một số công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải trình một số vướng mắc của cử tri trong việc thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng.
Về lĩnh vực an ninh trật tự, lãnh đạo Công an tỉnh cũng nêu một số giải pháp phòng ngừa tội, làm giảm tội phạm; công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm.
Lãnh đạo Sở Tư pháp trả lời đại biểu về công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp còn có vướng mắc.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu quan điểm, mục tiêu, kế hoạch, các giải pháp thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Mục tiêu hoàn thành chương trình vào tháng 8 năm 2025.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tuyên truyền, kiểm tra giám sát để đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Qua các phương tiện truyền thông tại Kỳ họp này, đồng chí đề nghị các đối tượng hộ nghèo hưởng thụ xây dựng nhà cần huy động sự giúp đỡ của gia đình, người thân để tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước xây dựng nhà ở cho bản thân, gia đình mình.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Qua ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh sẽ tiến hành ngay việc phân loại kiến nghị, giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp xác định rõ thời gian hoàn thành để giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri. Nhiều nội dung kiến nghị hiện còn có những vướng mắc về cơ chế, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế vì vậy còn có việc chưa đạt được kỳ vọng của cử tri.
Để giải quyết các kiến nghị của cử tri, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ khẩn trường hoàn thiện quy hoạch kế hoạch cơ sở dữ liệu đất đai để tháo gỡ vấn đề về đất đai; rà soát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tổ chức thực hiện hiệu quả; tăng cường ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh như: thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác đầu tư công làm vốn mồi đề thúc đẩy đầu tư.
Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, phải khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, trọng tâm là công tác CCHC. UBND tỉnh cần sự chia sẻ của HĐND tỉnh sự đồng thuận của nhân dân, tuyên truyền vận động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận đã đánh giá đúng các kết quả thực hiện, đồng thời cũng đã chỉ ra các tồn tại hạn chế, giải pháp giải quyết trong năm 2025. Qua đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại hạn chế, trong đó nổi bật là nguyên nhân các ngành, các cấp còn có việc chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.
Đối với các kiến nghị chính đáng của cử tri, đồng chí đề nghị các ngành sớm tham mưu để giải quyết, trả lời. Trong đó có những nội dung như: kết quả xét nghiệm mẫu nước xã Bình Phú (Chiêm Hóa) để nhân dân được biết; tuyên truyền, giải thích cho cử tri được rõ những vấn đề vướng mắc về đất đai, xóa nhà tạm...
Những vướng mắc trong thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh đề nghị các ban HĐND tỉnh xem xét để có phương án, giải pháp chỉnh sửa kịp thời để nghị quyết đi vào cuộc sống thuận lợi. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp thu ngân sách, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đặc biệt năm 2025, tỉnh phải hoàn thành 2 huyện nông thôn mới, đề nghị UBND tỉnh phải bố trí nguồn lực hợp lý cho 2 huyện; quan tâm chỉ đạo để tỉnh hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Sau phần thảo luận, phiên họp thực hiện xem xét Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh.