Đà Nẵng: Cụ thể phương án hợp nhất, tinh gọn bộ máy

Đến 30/12, các địa phương phải báo cáo về Trung ương phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy tỉnh, thành phố. Ban cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng đã lên phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trực thuộc UBND thành phố và UBND quận, huyện để lấy ý kiến các cơ quan chức năng trước khi hoàn thiện.

Sáp nhập, giải thể nhiều sở, ngành, đơn vị

Đà Nẵng hiện có có 22 sở ban ngành, 8 chi cục và tương đương, 126 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở và trực thuộc UBND thành phố. Trong đó, 22 sở ban ngành hiện có 33 văn phòng sở và thanh tra sở, 86 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Số công chức, viên chức là lãnh đạo sở ngành, đơn vị trực thuộc UBND thành phố là 122 người; khối sở ngành là 85 người, khối đơn vị sự nghiệp là 37 người.

Để sắp xếp bộ máy, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất phương án hợp nhất Sở Tài chính và Sở KH&ĐT thành Sở Tài chính - Đầu tư với tổng biên chế đề xuất sau hợp nhất 106 người; 13 phòng (11 phòng chuyên môn, 1 văn phòng, 1 thanh tra) và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở GTVT thành Sở Giao thông - Xây dựng với tổng biên chế là 135 người; 11 phòng (giảm 4 phòng), trong đó phòng chuyên môn là 9 (giảm 2 phòng). Đồng thời, giữ nguyên 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc…

Hợp nhất hai Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch thành Sở VH-TT&DL, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý thông tin, báo chí và xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chuyển sang với tổng biên chế 65 người, tổng số phòng là 9 (giảm 3 phòng), đồng thời giữ nguyên 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Hợp nhất Sở TT&TT và Sở KH&CN thành Sở Khoa học - Thông tin với tổng biên chế 58 người, chuyển 8 biên chế sang Sở VH-TT&DL mới. Sau hợp nhất sẽ có 8 phòng (giảm 2 phòng và chuyển 1 phòng) và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (giảm 3 đơn vị).

Hợp nhất Sở NN&PTNT và Sở TN&MT với tổng biên chế 212 người, 7 phòng, 4 chi cục, 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc…

Đà Nẵng dự kiến chấm dứt hoạt động của Sở LĐ-TB&XH, chuyển lĩnh vực quản lý giáo dục nghề nghiệp về sở GD&ĐT; chuyển lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội về Sở Y tế; chuyển lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội, người có công về sở Nội vụ…

Đối với Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm, thực hiện Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội, UBND thành phố Đà Nẵng đã hoàn thiện quy trình, thủ tục để thành lập Sở An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung ương chỉ đạo công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, thành phố đang xin chủ trương của Ban chỉ đạo Thành ủy về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấm dứt thí điểm hoạt động của BQL An toàn thực phẩm. Đồng thời giữ nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của Ban này, chuyển thành Chi cục trực thuộc Sở Công Thương.

UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất chuyển Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng UBND thành phố. Chuyển Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thành đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài chính - Đầu tư.

Quản lý đa nhiệm, đa lĩnh vực

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Khi các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể, nếu khác với dự kiến nêu trên, thành phố sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh tương ứng theo phương án của Trung ương để đảm bảo công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ”.

Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng

Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng

Theo ông Chinh, đối với các sở ngành thực hiện hợp nhất, sẽ thực hiện rà soát, tinh gọn các phòng hỗ trợ dùng chung sau khi hợp nhất. Cụ thể, tổ chức 1 văn phòng, 1 thanh tra sở, 1 phòng thực hiện chức năng tài chính - kế hoạch - đầu tư. Đối với các phòng chuyên môn, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng, rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp theo nguyên tắc đảm bảo không bỏ sót, không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phòng quản lý đa nhiệm, đa lĩnh vực.

“Nguyên tắc thực hiện rà soát, đề xuất số lượng sắp xếp theo hướng tinh gọn đối với bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Đối với các đơn vị sự nghiệp, chi cục trực thuộc, trước mắt thực hiện bàn giao tiếp nhận và rà soát đảm bảo từng nhóm dịch vụ sự nghiệp công chỉ có một đơn vị sự nghiệp cung ứng, kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian. Đối với các đơn vị sự nghiệp, chi cục không đảm bảo tiêu chí biên chế, tối thiểu theo quy định hiện hành, phải đề xuất việc sắp xếp, tổ chức lại theo quy định”, ông Chinh cho biết.

“Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy là một cuộc cách mạng lớn, phải quyết tâm thực hiện. Đã làm cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh, có mất mát, có người thiệt thòi. Về mặt tư tưởng, người dân rất ủng hộ, quan trọng nhất hiện nay là tư tưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên...”. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Sau khi Ban cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo phương án đề xuất, dự kiến, ngày 5/12, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ tổ chức họp để lấy ý kiến liên quan đến về việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trên địa bàn.

Một lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các vấn đề liên quan phương án đề xuất này sẽ được xem xét kỹ lưỡng, để có các điều chỉnh phù hợp trước khi báo cáo ra Trung ương theo đúng trình tự, thủ tục.

Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng?

Đà Nẵng dự kiến giải thể Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng. Theo UBND thành phố Đà Nẵng, Luật Xuất bản năm 2012 quy định “nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu”. Nhà xuất bản Đà Nẵng hiện hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động kinh doanh, thời gian qua Nhà xuất bản đã nhiều lần kiến nghị về tổ chức lại mô hình hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định việc chuyển doanh nghiệp thành đơn vị sự nghiệp. Với chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy và thực tế kết quả hoạt động thời gian qua Đà Nẵng đề xuất, giải thể Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản, sắp xếp nhân sự về các cơ quan báo đài có vị trí việc làm phù hợp, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động dôi dư.

NGUYỄN THÀNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-nang-cu-the-phuong-an-hop-nhat-tinh-gon-bo-may-post1697588.tpo
Zalo