Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy: Sức ép nghìn cân

Là Thứ trưởng Bộ Nội vụ giai đoạn 1998 - 2008, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (giai đoạn 2002- 2008), ông Thang Văn Phúc trực tiếp tham gia sâu vào quá trình xây dựng đề án cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Theo ông Phúc, đây là lĩnh vực liên quan đến tổ chức bộ máy, con người, công tác cán bộ nên hết sức khó khăn, phức tạp, nhiều 'đụng chạm' và sức ép.

“Sáp nhập bộ, ngành lại với nhau khó lắm, ý kiến khác nhau rất nhiều. Có người nói thẳng, lĩnh vực tôi đang phụ trách rất quan trọng, không thể sáp nhập được”, ông Thang Văn Phúc kể.

Khó thế, nhưng rồi qua từng giai đoạn, Chính phủ vẫn thực hiện hợp nhất nhiều bộ lại với nhau theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, năm 2007, Chính phủ đã thực hiện hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại; hợp nhất Ủy ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hóa - Thông tin…, thưa ông?

Đây là vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến con người, đến công tác cán bộ nên phức tạp là chuyện đương nhiên. Khi chưa sáp nhập, người ta là bộ trưởng, nếu sáp nhập lại có khi họ lại phải xuống làm thứ trưởng. Đang có quyền giờ bị mất quyền, họ cũng tâm tư lắm chứ, đâu có phải đơn giản.

Vậy nên, áp lực với những người làm đề án sáp nhập, làm công tác tổ chức, cán bộ cũng là điều dễ hiểu. Khi đó, tôi được ủy quyền của Thủ tướng xuống các bộ trực tiếp trình bày ý tưởng, chủ trương cải cách tổ chức bộ máy. Lúc đó, cũng có nơi đồng thuận, nhưng cũng có nơi không đồng tình. Có lãnh đạo còn khẳng định “lĩnh vực tôi rất quan trọng, được hình thành từ lâu đời, không thể sáp nhập được”. Tuy nhiên, chúng tôi thuyết phục trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đề cao tinh thần hy sinh, chấp hành nhiệm vụ của các cán bộ, đảng viên, đặt lợi ích chung của Đảng, của đất nước lên trên hết.

Sau khi sáp nhập, cũng có người từ bộ trưởng xuống làm thứ trưởng, và vẫn thực hiện tốt công việc. Sau này gặp lại, chúng tôi vẫn vui vẻ với nhau. Có người còn hỏi đùa với tôi: “Sao thời đó các ông làm căng thế”? Nhìn lại, mọi người đa phần đều thừa nhận, việc sáp nhập là đúng.

Một bộ có thể thực hiện nhiều việc

Trụ sở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Trụ sở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Nhìn lại quá trình cải cách nền hành chính Nhà nước, trong đó có cải cách tổ chức bộ máy sau thời kỳ đổi mới kinh tế, chúng ta đã làm nhiều lần nhưng vì sao vẫn chậm, theo ông?

Trước đây, chúng ta theo mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp nên phải chia nhỏ lĩnh vực quản lý. Tôi nhớ, có thời kỳ bộ máy của Chính phủ lên tới gần 70 đầu mối, trong đó có hơn 30 bộ. Sau nhiều lần cải cách, chúng ta đã gom được nhiều bộ, ngành có chức năng nhiệm vụ liên quan lại với nhau. Tôi lấy ví dụ như Bộ Công Thương hiện nay là sự sáp nhập của 5 - 6 bộ, ngành lại với nhau; hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là sự hợp nhất lại từ nhiều bộ như: Bộ Thủy lợi, Bộ Thủy sản, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Công nghiệp và Thực phẩm. Nói thế để thấy, chúng ta đã đi từng bước và cũng đạt được những kết quả.

Thời điểm năm 1999, tôi nhớ, Chính phủ đã xây dựng một đề án lớn về cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2002- 2010. Để thực hiện công việc này, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm Phó Trưởng ban thường trực và tôi được phân công làm Tổng thư ký. Đây là cuộc rà soát nền hành chính lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện. Khi đó, Ban Chỉ đạo làm việc với 64 tỉnh, thành (khi đó Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội - PV) và tất cả các bộ, ngành để đánh giá lại toàn bộ nền hành chính theo hướng, cần cải cách cái gì, cái gì cần phải giữ, kế thừa, cái gì cần phát triển và thay đổi. Công việc này được thực hiện trong 2 năm. Đến năm 2001, Thủ tướng đã ban hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010. Đây là một văn bản có tính chiến lược quan trọng để thực thi nền cải cách hành chính Nhà nước.

Trụ sở Bộ Tài nguyên & Môi trường Ảnh: Nhật Minh

Trụ sở Bộ Tài nguyên & Môi trường Ảnh: Nhật Minh

Nội dung trọng tâm của đề án là: Cải cách thể chế, cải cách tinh gọn bộ máy và cải cách chế độ công vụ. Về cải cách tinh gọn tổ chức bộ máy, Đề án đã nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện. Đề án cũng đề ra tinh thần chung: Một bộ làm nhiều việc nhưng chịu trách nhiệm trước những lĩnh vực của mình. Chính phủ không phải làm tất cả các công việc mà làm đúng việc của mình. Nhà nước tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật chứ không phải đi chỉ đạo thực thi từ A - Z.

“Chỉ có thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, chúng ta mới tháo gỡ được những nút thắt của sự phát triển. Đây là sứ mệnh mà Đảng phải làm. Đảng không chỉ là người khởi xướng mà còn phải thực hiện trong thực tế. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực thi. Lúc này là lúc hành động để tạo ra sự thay đổi, không ai có thể cản được”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụThang Văn Phúc

Hành động để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định hiện là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không thể chậm trễ hơn được nữa. Theo ông, vì sao đây là việc “không thể chậm trễ hơn được nữa”?

Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn về sự phát triển. Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra là 20 năm nữa (năm 2045), chúng ta phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hiện GDP bình quân đầu người của chúng ta đạt chưa đến 5.000 USD. Vậy làm sao để thực hiện và đạt được mục tiêu GDP bình quân đầu người trên 15.000 USD vào khoảng năm 2045? Theo tôi, phải tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và phải đổi mới toàn diện bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị như chỉ đạo mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra. Đây là thời điểm không thể chậm trễ hơn được nữa trước cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nếu như trước đây, chúng ta chưa làm triệt để thì lần này phải làm triệt để.

Khi làm Đề án cải cách hành chính của Chính phủ từ hơn 20 năm trước, chúng tôi đã tính tới lộ trình cải cách để sau này giảm xuống chỉ còn khoảng 16 - 17 bộ. Nếu theo phương án nghiên cứu, đề xuất mà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu ra mới đây (tại Hội nghị ngày 1/12), thì cũng chỉ còn khoảng 17 bộ. Đây là bước tiến căn bản về cải cách cả hệ thống chính trị. Chỉ có thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, chúng ta mới tháo gỡ được những nút thắt của sự phát triển. Đây là sứ mệnh mà Đảng phải làm. Đảng không chỉ là người khởi xướng mà còn phải thực hiện trong thực tế. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực thi. Lúc này là lúc hành động để tạo ra sự thay đổi, không ai có thể cản được.

Từ thực tiễn, theo ông, cần thực hiện như thế nào để cuộc cách mạng tổ chức bộ máy thực sự hiệu lực, hiệu quả?

Khi cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân lực là vấn đề quan trọng. Chúng ta cần thực hiện một đợt tổng rà soát nhân lực, ai xứng đáng thì giữ hoặc cho đi đào tạo, ai không đáp ứng thì có thể ra ngoài.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải tập trung phát triển khu vực tư để khu vực này phát triển, thu hút được ngày càng nhiều nguồn lực lao động. Trong tư tưởng cải cách, chúng ta cần thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Nhà nước làm đúng việc của mình, phần việc còn lại của xã hội, của dân.

Cảm ơn ông.

Văn Kiên (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-cach-hanh-chinh-tinh-gon-bo-may-suc-ep-nghin-can-post1697569.tpo
Zalo