Cho vay margin 'gánh' lợi nhuận cho công ty chứng khoán

Lợi nhuận mảng môi giới ngày càng mỏng đi do cuộc đua giảm phí/miễn phí môi giới, cho vay ký quỹ (margin) vì thế đang trở thành một trong những mảng gồng gánh lợi nhuận cho các công ty chứng khoán.

Với kế hoạch tăng vốn của nhiều công ty chứng khoán được “kích hoạt” từ đại hội cổ đông năm 2024, không khó để dự báo, năm 2025, quy mô vốn của nhóm công ty chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh mảng margin bị giới hạn bởi điều kiện cho vay không quá 2 lần vốn chủ sở hữu, chưa kể nguồn vốn được phân bổ khá nhiều vào các mảng kinh doanh khác, trong đó có tự doanh, nên việc tăng vốn chủ sẽ giúp công ty chứng khoán nâng cao năng lực cho vay margin.

Thông tin gần nhất, MBS chuẩn bị chào bán gần 26 triệu cổ phiếu với giá 23.040 đồng/cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tổng số tiền dự kiến thu về là gần 593 tỷ đồng; trong đó, Công ty sẽ phân bổ chủ yếu cho hoạt động cho vay margin (492 tỷ đồng). Theo lãnh đạo MBS, tăng vốn là kế hoạch quan trọng trong bối cảnh Công ty đang chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các công ty chứng khoán lớn và nhóm nước ngoài.

Cho vay margin đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của MBS, tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy mảng kinh doanh này đã có dấu hiệu chững lại. Dư nợ cho vay margin tại MBS chưa thể vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường diễn biến kém thuận lợi và Công ty chưa kịp hoàn tất các đợt tăng vốn mới để bổ sung năng lực cho vay.

Tại HSC, cuối quý III/2024, dư nợ margin lên tới 19.300 tỷ đồng, ghi nhận đà tăng trưởng bảy quý liên tiếp kể từ đầu năm 2023 và cao hơn gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (hơn 10.000 tỷ đồng) của Công ty. Dù HSC mới tăng vốn đáng kể thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 vào tháng 6/2024 (tỷ lệ thành công cao) và phát hành ESOP với tỷ lệ 2,27%, nhưng theo tài liệu đại hội cổ đông bất thường, tổ chức vào ngày 4/12 tới, Công ty dự kiến chào bán thêm gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Dư nợ margin toàn ngành chứng khoán lập đỉnh mới vào cuối quý III/2024, với 235.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thanh khoản bình quân trên cả ba sàn trong quý III chỉ đạt 18.561 tỷ đồng.

Trước đó, lãnh đạo HSC từng chia sẻ, tăng vốn là nhiệm vụ sống còn đối với HSC khi vài năm qua không thể nào tăng vốn kịp với cơ hội mở ra trên thị trường.

TCBS mới đây cũng thông qua phương án chào bán thêm 118,8 triệu cổ phiếu, với giá 11.585 đồng/cổ phiếu, tương đương dự thu gần 1.377 tỷ đồng. So với giá chào bán trong đợt phát hành trước (10.000 đồng/cổ phiếu), mức giá chào bán lần này cao hơn khoảng 16%. Số lượng nhà đầu tư dự kiến tham gia là 25 nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I hoặc II/2025.

Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng lên mức 20.802 tỷ đồng, qua đó, TCBS trở thành công ty chứng khoán đầu tiên có vốn điều lệ vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng, cao hơn so với đơn vị hiện đang dẫn đầu là SSI.

Mục đích tăng vốn của TCBS là bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Quý III, TCBS cũng là đơn vị có dư nợ margin cao nhất thị trường.

ACBS cũng có kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng. Trước đó, Công ty đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng vào quý IV/2023 và tiếp tục tăng lên 7.000 tỷ đồng trong quý I năm nay.

Câu chuyện dư nợ margin cuối quý III/2024 tiếp tục lập đỉnh mới, với 235.000 tỷ đồng cho thấy nhu cầu vay margin còn rất tiềm năng. Trong khi đó, tổng mức thanh khoản bình quân từ 3 sàn giao dịch sụt giảm trong quý III/2024, đạt bình quân 18.561 tỷ đồng/phiên, giảm 26,5% so với quý trước đó. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường ở mức thấp, margin vẫn gia tăng do chủ yếu tập trung cho vay deal.

Cuộc đua giảm phí/miễn phí môi giới để lấy thị phần khiến lợi nhuận từ mảng môi giới ngày càng teo tóp, việc tích cực cho vay margin để tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như bù đắp phần nào từ môi giới trở thành nhiệm vụ chính của nhiều công ty chứng khoán. Mặt khác, với các doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn nhưng khó tiếp cận kênh tín dụng, tăng vốn chủ sở hữu lại phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ thì việc “mượn tạm” vốn qua công ty chứng khoán là phương án khả thi.

Việc cho vay deal có tính đặc thù, lãi suất thậm chí có mức cao hơn so với mặt bằng chung và rủi ro cũng cao hơn so với cho vay margin thông thường, nhưng ghi nhận ở nhiều công ty chứng khoán, sau nhiều thăng trầm thị trường, công tác cho vay đang được giám sát, kiểm soát ngày càng chặt hơn. Đồng thời, cơ cấu cho vay cũng ưu tiên các ngành hồi phục, dư địa tăng trưởng ổn định.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cho-vay-margin-ganh-loi-nhuan-cho-cong-ty-chung-khoan-post359112.html
Zalo