Giảm thuế VAT 2%: Doanh nghiệp phấn khởi, chính sách đưa kinh tế phục hồi

Mới đây, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã trình Dự thảo nghị quyết đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng mức thuế suất 10%, áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2025. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện chính sách giảm thuế này.

1. Doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình

Khi nhận được thông tin này, các doanh nghiệp (DN) đều bày tỏ sự vui mừng và ủng hộ mạnh mẽ, bởi hơn 2 năm qua, chính sách giảm thuế VAT đã thực sự mang lại tác động tích cực đối với họ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích ban hành Nghị quyết là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, góp phần vào ngân sách Nhà nước và nền kinh tế. Chính sách giảm thuế VAT sẽ được áp dụng từ ngày 1/1 đến hết 30/6/2025.

Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khi thực hiện chính sách này sẽ vào khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,35 nghìn tỷ đồng/tháng), trong đó giảm thu ở khâu nội địa khoảng 2,85 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Hơn 2 năm qua, chính sách giảm thuế VAT đã thực sự mang lại tác động tích cực với DN

Hơn 2 năm qua, chính sách giảm thuế VAT đã thực sự mang lại tác động tích cực với DN

Theo các DN, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch và lạm phát có xu hướng tăng, việc giảm thuế VAT là biện pháp thiết thực. Chính sách này giúp giảm bớt gánh nặng cho các DN, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), giúp họ duy trì hoạt động ổn định, giảm giá thành sản phẩm và kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Các DN trong các lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ cũng ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt từ chính sách giảm thuế VAT. Ông Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tây Bắc, chia sẻ: “Việc giảm thuế đã giúp giảm giá thành các dịch vụ du lịch, từ đó tăng sức mua của khách hàng và thúc đẩy doanh thu du lịch. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt trong số lượng khách hàng và nhu cầu tiêu dùng các gói dịch vụ cao cấp hơn. Chính sách này thực sự là cú hích giúp ngành du lịch phục hồi sau đại dịch”.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Vạn Phú Gia, cho biết, chính sách giảm thuế VAT đã tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của DN. “Mặc dù lợi nhuận trên mỗi sản phẩm không thay đổi, nhưng nhờ giá bán giảm do giảm thuế VAT, sức mua của người tiêu dùng được cải thiện, từ đó kích thích nhu cầu và mở rộng thị trường. Điều này đã giúp doanh thu tăng, qua đó làm gia tăng tổng lợi nhuận”, ông Công chia sẻ.

Còn theo chia sẻ của ông Kamada Takeshi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Tempearl Việt Nam, đối với các công ty chuyên lắp ráp và sản xuất sản phẩm điện xuất khẩu sang Nhật Bản như Tempearl, chính sách giảm thuế VAT sẽ là yếu tố hấp dẫn. "Mặc dù thuế VAT không áp dụng cho các giao dịch mua vật liệu và linh kiện phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng lại được áp dụng đối với các chi phí như sửa chữa máy móc và tòa nhà trong công ty. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, vì vậy việc giảm thuế VAT sẽ giúp các công ty giảm bớt chi phí đáng kể", ông Kamada Takeshi nói.

Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn dịch vụ thuế và tài chính cho các DN, đặc biệt là các DN SMEs, bà Đinh Thị Huyền - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thuế Savitax, cũng khẳng định chính sách giảm thuế VAT đã giảm bớt gánh nặng chi phí cho các DN, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường. Bà cho biết không chỉ các DN du lịch mà nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là ngành tiêu dùng và bán lẻ, cũng đã được hưởng lợi. “Giảm thuế không chỉ kích thích nhu cầu tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp DN duy trì ổn định trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, bà Huyền nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngoài những tác động trực tiếp đến chi phí và giá thành sản phẩm, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Thuế và Kế toán Việt Tín, còn chia sẻ một góc nhìn khác khi cho rằng các chính sách giảm thuế còn “gián tiếp” giúp DN mở rộng thị trường, gia tăng mạng lưới đối tác.

"Chi phí hoạt động của các công ty Nhật Bản thường cao hơn so với các công ty Việt Nam, trong khi các công ty Nhật Bản vẫn phải chịu thuế VAT khi bán hàng trong nước. Vì vậy, từ góc độ cạnh tranh, việc giảm thuế VAT không chỉ giúp hạ giá thành sản phẩm mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn cho các công ty Nhật Bản khi hoạt động tại thị trường Việt Nam", ông Kamada Takeshi nhấn mạnh.

Phần chi phí được giảm thiểu được DN dùng cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư vào chiến lược marketing, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Thuế và Kế toán Việt Tín

Ở góc nhìn vĩ mô, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc giảm thuế VAT xuống 8% trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho DN và người tiêu dùng, mà còn có ý nghĩa sâu rộng đối với nền kinh tế. Khi giá thành hàng hóa và dịch vụ giảm, sức ép tăng giá trong nền kinh tế được kiềm chế, giúp giữ mức lạm phát trong tầm kiểm soát - một trong những thách thức lớn của nền kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch.

Bên cạnh đó, giảm thuế VAT cũng đóng vai trò như một công cụ kích thích tiêu dùng hiệu quả. Khi giá cả hàng hóa thấp hơn, người dân có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, tạo động lực để các DN gia tăng sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiệu ứng lan tỏa này không chỉ cải thiện tình hình kinh doanh của DN, mà còn góp phần củng cố cân đối kinh tế vĩ mô, giảm thiểu nguy cơ bất ổn kinh tế.

2. Cân nhắc áp dụng với tất cả các loại hàng hóa

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục gửi đề xuất giảm thuế VAT xuống 8% áp dụng với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Đề xuất này xuất phát từ thực tế thời gian qua, nhiều DN gặp khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10% và hàng hóa nào được giảm xuống 8%, khiến không ít DN cảm thấy bối rối.

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), ngoại trừ một số nhóm sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (trừ khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai chính sách này, nhiều DN khó khăn và lúng túng trong việc xác định mức thuế suất phù hợp để áp dụng cho các sản phẩm và dịch vụ của mình, dẫn đến tình trạng "rối như canh hẹ".

Nhiều DN gặp khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%...

Nhiều DN gặp khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%...

Trong quá trình hỗ trợ các DN, không ít lần bà Đinh Thị Huyền nhận thấy bộ phận kế toán gặp khó khăn trong việc xác định cụ thể những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế. Theo bà Huyền, hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước thường mang tính chung chung, càng khiến việc xác định mức thuế suất phù hợp trở nên phức tạp hơn, gia tăng rủi ro cho người nộp thuế.

“Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng không đồng nhất trong cách áp dụng thuế suất. Cùng một mặt hàng, một số nhà cung cấp áp dụng thuế suất 8% nhưng đơn vị khác lại không giảm, gây khó khăn cho các DN trong quá trình khai báo thuế. Một số DN còn đối mặt với tình huống bất cập là hóa đơn đầu vào được nhà cung cấp xác định mức thuế 8%, nhưng khi làm việc với khách hàng, họ lại yêu cầu áp dụng mức thuế 10%, với lý do không thuộc diện được giảm. Điều này không chỉ làm phức tạp quy trình bán hàng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kê khai và đóng thuế, đặt DN vào tình thế khó xử”, bà Huyền chia sẻ.

Cũng như thế, ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, những sản phẩm phức tạp như hàng hóa gia công từ kim loại hoặc thi công xây dựng thường gây tranh cãi trong việc xác định thuế suất. "Điều này buộc DN phải dành nhiều thời gian tra cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc gửi văn bản xin hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Việc này làm tăng khối lượng công việc cho bộ phận kế toán và phát sinh chi phí tư vấn không đáng có cho DN”, ông Sơn nói.

Vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn chi tiết hơn trong những trường hợp cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng “xuất thừa hơn thiếu”, tức là với những trường hợp không rõ ràng, sẽ áp dụng mức thuế suất 10%. Trên thực tế, xuất hiện không ít tình huống khó giải quyết khi nhiều kế toán xuất hóa đơn là 10% nhưng sau đó mới phát hiện là DN được giảm thuế còn 8%. “Khi phải hỏi cơ quan thuế hoặc phân tích nhiều lần, DN thường chọn áp 10% để an toàn, dẫn đến việc người tiêu dùng không thực sự cảm nhận được sự thay đổi đáng kể từ chính sách”, ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Chính vì vậy, mới đây, VCCI tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế VAT đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%.

Bà Đinh Thị Huyền - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thuế Savitax:

Các loại mặt hàng trên thị trường rất đa dạng về tính chất, cấu thành và cách ghi hóa đơn, khiến việc xác định sản phẩm thuộc diện giảm thuế hay không trở nên phức tạp và dễ phát sinh tranh cãi.

Thực tế cho thấy không thể xây dựng một văn bản hướng dẫn chi tiết bao quát tất cả hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro và tranh luận không đáng có, việc xây dựng chính sách thuế cần hướng tới sự nhất quán, áp dụng một cách đồng bộ và rộng rãi cho toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện mà còn tạo điều kiện cho DN dễ dàng tuân thủ, đồng thời giảm áp lực quản lý và kiểm tra cho cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Thuế và Kế toán Việt Tín:

Việc giảm thuế VAT đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong những năm qua, do đó, việc áp dụng chính sách này cho các loại hàng hóa, dịch vụ cần được các cơ quan chức năng xem xét và tính toán cẩn thận.

Tuy nhiên, không nên để sự khác biệt trong cách xác định thuế suất tiếp tục gây tranh cãi, làm khó khăn cho DN như hiện tại. Trước mắt, định kỳ 6 tháng, Chính phủ nên đánh giá toàn diện tình hình kinh tế và xu hướng thị trường, đồng thời xem xét các khó khăn mà DN gặp phải khi thực hiện các chính sách thuế. Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh chính sách và cách triển khai phù hợp, thể hiện sự linh hoạt trong việc điều tiết kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định và hỗ trợ cho DN phát triển.

3. Nhìn từ quốc tế

Ở nhiều quốc gia, việc giảm thuế VAT được áp dụng một cách chiến lược nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Hệ thống thuế dù có nhiều mức khác nhau, áp dụng với các đối tượng khác nhau, nhưng tương đối dễ dàng trong việc xác định.

Thuế VAT là một trong những loại thuế tiêu dùng quan trọng, hiện nay trở thành nguồn thu ngân sách nhà nước chính tại hơn 160 quốc gia trên thế giới, ước chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách các quốc gia này. Tính theo GDP, thu ngân sách từ thuế VAT chiếm khoảng 4% GDP ở các quốc gia có thu nhập thấp và khoảng 7% GDP ở các quốc gia đang phát triển.

Vì thuế VAT là nguồn thu chính, nên các chính sách đổi mới liên quan đến loại thuế này thường được nghiên cứu và tranh luận tại nhiều các quốc gia, đặc biệt về tính công bằng và hợp lý trong các cải cách thuế VAT.

Ở nhiều quốc gia, việc giảm thuế VAT được áp dụng một cách chiến lược nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Hệ thống thuế dù có nhiều mức khác nhau, áp dụng với các đối tượng khác nhau, nhưng tương đối dễ dàng trong việc xác định.

Các chính sách thuế cần hướng tới sự nhất quán, áp dụng một cách đồng bộ và rộng rãi cho toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng

Các chính sách thuế cần hướng tới sự nhất quán, áp dụng một cách đồng bộ và rộng rãi cho toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng

Cụ thể, hệ thống thuế VAT của New Zealand, được gọi là Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), được công nhận vì tính đơn giản và hiệu quả của nó. Kể từ khi được đưa vào áp dụng vào năm 1986, GST đã được áp dụng ở mức duy nhất là 15% cho hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Cách tiếp cận này giúp giảm gánh nặng hành chính cho DN và giúp tuân thủ dễ dàng hơn vì có rất ít miễn trừ so với các hệ thống thuế VAT phức tạp hơn ở các quốc gia khác.

Một điển hình khác là Cộng hòa Séc. Luật thuế VAT của quốc gia này được đưa vào áp dụng năm 1993 sau khi Tiệp Khắc giải thể. Năm 2004, Cộng hòa Séc gia nhập EU, điều chỉnh đáng kể hệ thống VAT của mình theo Chỉ thị VAT của EU. Quá trình điều chỉnh này đảm bảo một khuôn khổ thuế nhất quán và minh bạch cho các DN hoạt động trên khắp thị trường chung châu Âu.

Cụ thể, Cộng hòa Séc hiện đang áp dụng ba mức thuế VAT khác nhau. Mức thuế tiêu chuẩn 21%, áp dụng cho phần lớn hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các mặt hàng thuộc diện giảm thuế hoặc miễn thuế. Mức thuế giảm 12%, áp dụng cho các sản phẩm và dịch vụ đặc biệt như thực phẩm, sách, dược phẩm và một số dịch vụ du lịch, khách sạn. Mức thuế ưu đãi 0%, áp dụng cho xuất khẩu và một số giao dịch quốc tế, cũng như một số sản phẩm được miễn thuế theo chính sách công, ví dụ như dịch vụ y tế cơ bản hoặc giáo dục.

Đáng chú ý, mức thuế giảm 12% của Cộng hòa Séc là kết quả của quá trình tinh gọn hệ thống thuế, khi vào đầu năm 2024, chính phủ đã điều chỉnh và gộp hai mức thuế trước đó (mức 10% và 15%) thành một mức giảm duy nhất là 12%. Đây là một nỗ lực nhằm đơn giản hóa các mức thuế giảm, giúp các DN dễ dàng tuân thủ và giảm thiểu nguy cơ gian lận thuế. Theo Chính phủ nước này, những thay đổi kỳ vọng không chỉ giúp giảm bớt sự phức tạp trong việc áp dụng thuế mà còn góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý thuế.

Nhiều DN gặp khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10% và hàng hóa nào được giảm xuống 8%

Nhiều DN gặp khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10% và hàng hóa nào được giảm xuống 8%

Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng các mức thuế VAT khác nhau cho từng lĩnh vực, hàng hóa nhằm đảm bảo tính công bằng trong phân phối nguồn lực, hỗ trợ các nhóm yếu thế và áp dụng thuế suất cao đối với những mặt hàng không thiết yếu hoặc xa xỉ, là một giải pháp phù hợp để cân bằng lợi ích xã hội và ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, từ những điển hình thực tế kể trên, Việt Nam có thể cân nhắc quy định một mức thuế VAT phổ thông cho hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, có một số ưu đãi về thuế VAT dưới hình thức giảm và miễn thuế để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ.

Việc này không chỉ đơn giản hóa hệ thống thuế, giảm thiểu sự phức tạp trong quá trình kê khai và quản lý, mà còn tăng tính minh bạch, tạo thuận lợi cho cả DN và cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, để đảm bảo tính hiệu quả, cần cân nhắc rõ ràng đối tượng được hưởng ưu đãi và mục tiêu chính sách cụ thể, như khuyến khích hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoặc thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... Chính sách giảm hoặc miễn thuế cần được thiết kế minh bạch, tránh tạo lỗ hổng cho gian lận thuế, đồng thời đảm bảo cân đối nguồn thu ngân sách quốc gia.

Ngoài ra, các biện pháp đi kèm, như nâng cao năng lực quản lý thuế và hiện đại hóa công nghệ, cũng rất cần thiết để đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả.

Hưng Khánh - Toni Hải - Phong Vân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/giam-thue-vat-2-doanh-nghiep-phan-khoi-chinh-sach-dua-kinh-te-phuc-hoi-314939.html
Zalo