Động lực cho sự phát triển bứt phá
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức (KTTT) đã trở thành xu hướng tất yếu, quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam, với khát vọng vươn lên, đã và đang nỗ lực bắt kịp xu thế này. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là minh chứng rõ nét cho quyết tâm đó.

Ảnh minh họa.
Trên thực tế, KTTT không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang còn nhiều rào cản trong việc xây dựng một nền KTTT bắt kịp các nước phát triển. Ai cũng biết, giáo dục chính là nền tảng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, thế nhưng, hệ thống giáo dục nước ta hiện vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề. Phương pháp giảng dạy nặng về học thuộc lòng, thi cử mang tính “đánh đố” và cơ chế quản lý cứng nhắc là những hạn chế lớn đối với sự phát triển tư duy sáng tạo của người học. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa giáo dục và thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Theo dự báo, năm 2025, Việt Nam có thể thiếu khoảng 100.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi nhu cầu lao động có thể tăng lên 530.000 người.
Một nền KTTT chỉ có thể bền vững nếu được xây dựng trên một xã hội tri thức. Xã hội tri thức không chỉ đơn thuần là nơi có nhiều người học hành cao mà còn là môi trường khuyến khích sáng tạo, tôn trọng tri thức và tạo điều kiện để tri thức được phổ biến rộng rãi. Song, đến nay, nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình này, trong đó, đáng lo ngại là tư duy đổi mới sáng tạo chưa trở thành “món ăn thiết yếu” của đời sống xã hội, hệ thống khuyến khích nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo còn chưa đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá.
Như trên đã nói, trong nền kinh tế toàn cầu, tri thức và khả năng sáng tạo là yếu tố quyết định sự giàu mạnh của một quốc gia. Nếu như trong nền kinh tế truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh, thì trong nền KTTT, nguồn lực con người và năng lực sáng tạo mới là yếu tố then chốt. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là định hướng lãnh đạo có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số, cần sự chung tay của toàn xã hội, cùng nỗ lực đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Phát triển KTTT là con đường tất yếu để nước ta vươn lên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam tiến tới một tương lai thịnh vượng và bền vững. Nếu tận dụng tri thức làm động lực chính, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu, tạo ra những động lực cho sự phát triển bứt phá trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống của người dân.