Doanh nghiệp nỗ lực mở thêm thị trường

Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực bước vào sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng tăng trưởng trở lại, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm 2025 bằng giải pháp cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất và nỗ lực mở thêm thị trường.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định do các đơn vị đã chủ động triển khai kế hoạch từ đầu năm.

Dù gặp khó khăn, thách thức do các đơn hàng liên tục giảm, song với sự linh hoạt trong điều hành, đề ra giải pháp giữ chân người lao động, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, Công ty TNHH Đúc kim loại HMDC, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ông Đặng Đình Dinh, Giám đốc công ty cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại phụ kiện cho các dòng xe máy trên thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, công ty đã chủ động hoạch định hướng đi phù hợp với khả năng. Trong đó, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đi đôi với đó là giá cả cạnh tranh và mở thêm thị trường.

Thời gian trước, sản phẩm của công ty chỉ cung cấp cho thị trường trong nước thì đến nay đã có mặt tại thị trường Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á khác. Để có được kết quả trên, lãnh đạo công ty không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mới có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

Với hướng đi đó, doanh nghiệp đang trên đà phát triển, hiện tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng và đơn vị đang có kế hoạch tuyển thêm một số lao động tại địa phương.

Hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH MTV thời trang Yun Việt Nam, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) cũng không có nhiều biến động. Các đơn hàng xuất khẩu vẫn giữ được ở mức ổn định.

Theo bà Ngô Thị Bích Thủy, Giám đốc công ty, những năm qua, đơn vị chuyên gia công hàng may mặc cho thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để khẳng định uy tín với đối tác, công ty đã đầu tư máy móc công nghệ cao vào sản xuất; sắp xếp lại nhân sự, chuyển đổi mô hình sản xuất để sử dụng lao động hiệu quả nhất.

Cùng đó, tập trung cải tiến kỹ thuật và đầu tư máy móc tự động cũng như áp dụng công nghệ số để giảm lao động gián tiếp. Thường xuyên cải tiến quản trị, tổ chức sản xuất, đồng thời có cơ chế khuyến khích những sáng kiến nâng cao năng suất của đội ngũ công nhân.

Để đơn vị ngày càng phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động hơn nữa, công ty sẽ tiếp tục đưa ra những dòng sản phẩm mới, chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Âu nhằm tăng doanh thu trong năm 2025.

Tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng giúp sản phẩm OCOP Trà gạo lứt tâm sen của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Huyền Chi (Tam Dương) mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng trưởng ổn định. Ảnh: Chu Kiều

Tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng giúp sản phẩm OCOP Trà gạo lứt tâm sen của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Huyền Chi (Tam Dương) mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng trưởng ổn định. Ảnh: Chu Kiều

Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên, thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên) đang phấn đấu nâng cấp thành đơn vị ở vị trí top đầu trong chuyển giao công nghệ và sản xuất thảo dược trên cả nước.

Theo bà Nguyễn Bích Thủy, Tổng Giám đốc công ty, từ năm 2016, công ty đã nghiên cứu, trồng thử nghiệm sâm Hàn Quốc, một số giống sâm quý bản địa Việt Nam và trồng Wasabi ứng dụng công nghệ Smart farm. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp, liên kết với các đơn vị, đối tác trong và ngoài nước thử nghiệm các giống phân bón mới, các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi và trồng trọt; xây dựng phòng thử nghiệm nuôi cấy ứng dụng công nghệ sinh học cho một số giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao.

Với việc ứng dụng công nghệ thông minh đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh tế. Công ty sẽ liên tục mở thêm thị trường để chuyển giao, mở rộng diện tích trồng sâm, cúc chi vàng, Wasabi Nhật Bản... ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, phục vụ lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ uống. Hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị kinh tế cao trong nước và xuất khẩu.

Những năm qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, có tính hấp dẫn và cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng, nguồn vốn và ưu đãi thuế.

Cùng đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên hướng dẫn, giải đáp cho các doanh nghiệp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước và của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững, về lâu dài các chính sách hỗ trợ của tỉnh cần tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các vấn đề doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, tiền lương, vướng mắc về các thủ tục pháp lý để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một hiệu quả, chất lượng hơn.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123970//doanh-nghiep-no-luc-mo-them-thi-truong
Zalo