Lãi đậm, liệu ngân hàng có hy sinh lợi ích để giảm lãi suất cho vay?
Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc giảm lãi suất để chia sẻ với bên vay là hết sức cần thiết, nhờ đó sẽ kích thích nền kinh tế phát triển, ngân hàng tiếp tục được hưởng lợi vì cho vay nhiều hơn.
Hy sinh lợi ích, giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây nhằm tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiệm vụ giải pháp đối với ngành ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận của mình để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân. Hệ thống ngân hàng vừa phải mang lại lợi ích cho mình, nhưng cũng vừa mang lại lợi ích chung cho đất nước trên tinh thần lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ.

Các ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói vay ưu đãi từ đầu năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay chỉ từ 2,4%/năm - thấp hơn gửi tiết kiệm. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành lên 16% trong năm 2025.
Cụ thể, Ngân hàng Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu, FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 1,2-1,8%/năm so với lãi suất thông thường, tùy vào đối tượng, thời hạn vay và các yếu tố khác; cho vay trả nợ 2,4%/năm... Mức lãi suất cho vay ngắn hạn này hiện ngang bằng với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-11 tháng tại Agribank (từ 2,5 - 3,5%/năm).
Tương tự, Vietcombank cũng triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 4,6%/năm.
Trên thực tế hiện nay, lãi suất cho vay ưu đãi nhóm ngân hàng quốc doanh trong tháng 2 là từ 1,2 - 5,5%/năm. Còn lãi suất thả nổi nằm trong khoảng 6,5 - 7,7% trong vòng 2-3 năm. Mức lãi suất này thấp hơn năm 2024 khoảng 0,2 - 0,5%.
Với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 5 -6,5%/năm. Lãi suất cho vay thả nổi từ 10,8 - 20%/năm. Mức lãi suất này cũng thấp hơn từ 0,1 - 0,2%/năm so với năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, đầu năm 2025, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có BIDV – thuộc nhóm ngân hàng Big4 Việt Nam. Ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1%, hiện ở mức 4,8%/năm.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động đầu năm 2025 (Ảnh minh họa: KT)
Trong khi đó, ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, một số nhà băng cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Techcombank tăng 0,2% lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiền gửi 1-11 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,65%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng là 4,65%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi online dưới 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Eximbank và GPBank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 36 tháng vượt mốc 6%/năm, với mức tương ứng là 6,6%/năm và 6,35%/năm.
Ngân hàng lãi đậm, liệu có chia sẻ khó khăn?
Giai đoạn trước đại dịch Covid19 - năm 2018, việc vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng được coi là hiện tượng hiếm khi chỉ 2 đơn vị đạt được là Vietcombank và Techcombank. Nhưng đến nay, số nhà băng đạt và vượt mức lợi nhuận “khủng” này đã tăng lên nhiều lần, trong đó có Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank…
Câu chuyện ngân hàng lãi đậm là điều đáng vui, nhưng đặt trong bối cảnh doanh nghiệp chưa vượt qua hết khó khăn lại là điều đáng để bàn luận.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024 có khoảng 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,4% so với năm trước; hơn 76.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3% và gần 22.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%. Trong khi đó, sự phục hồi khu vực doanh nghiệp vẫn yếu khi số doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2024 giảm gần 2% so với năm liền trước.

Doanh nghiệp rất cần vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh họa: KT)
Những năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lãi suất liên tục giảm... Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối trước đó.
Đại diện ngân hàng TPBank cho biết, trong năm 2024, TPBank đã tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 20,25%. TPBank đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại Agribank, năm 2024 dư nợ tín dụng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với quy mô lên tới trên 457.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Tuy nhiên, không ít người dân và doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với mức lãi suất cao, nhất là các khoản vay cũ với người vay mua nhà. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cần chia sẻ nhiều hơn nữa với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán và trái phiếu chưa thực sự ổn định. Tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thông thường, để có 1% tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm phần trăm. Tức là, tín dụng năm nay phải tăng khoảng 16% để có được tăng trưởng GDP khoảng 8%.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. (Ảnh: VGP)
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh trên báo Tiền Phong, lãi suất cho vay duy trì mức thấp bởi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn. Theo đó, mặt bằng cho vay duy trì mức thấp và giảm dần từ năm 2024 đến nay. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp chỉ khoảng từ 1,5 - 3%/năm, thậm chí có ngân hàng còn tung gói cho vay ngang lãi suất tiết kiệm.
Tuy nhiên, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay lãi suất cho vay đối diện một số áp lực nhưng cơ bản duy trì ổn định trong quý I/2025. Lãi suất cho vay có thể sẽ được điều chỉnh tăng ở những tháng tiếp theo khi chỉ số đồng USD có khả năng đi lên vào những tháng giữa năm, cùng với đó là áp lực tỷ giá hối đoái giữa USD và VND có thể sẽ thay đổi.