Nguồn lực thể chế

Bên cạnh các luật phục vụ tinh gọn bộ máy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín đều nhằm khơi thông nguồn lực vô cùng quan trọng - thể chế.

Hôm nay (19/2), sau một tuần làm việc, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách về tinh gọn bộ máy, Quốc hội đã gấp rút sửa đổi các luật về tổ chức Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương, ban hành một số nghị quyết về cơ cấu, tổ chức Chính phủ, tổ chức các cơ quan của Quốc hội.

Những việc đó, đương nhiên là rất quan trọng, Quốc hội cần dành thời gian thỏa đáng. Nhưng còn cả những nội dung không kém phần quan trọng khác, cũng cần được Quốc hội “ra tay”.

Đó là Nghị quyết của Quốc hội bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Mục tiêu tăng trưởng cao hơn con số đã được Quốc hội giao, cần được chính Quốc hội điều chỉnh.

Quan trọng hơn, Quốc hội cần tạo dư địa chính sách để Chính phủ linh hoạt điều hành đạt mục tiêu mới này - một mục tiêu mà có đại biểu ví như phép thử của tăng trưởng 2 con số từ năm 2026.

Để “phép thử” không dừng ở phép thử, thì cần tạo không gian sáng tạo cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Nhiệm vụ nặng nề đó rất cần “điểm tựa” là thể chế thông thoáng.

Đó còn là Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - một nội dung được chuẩn bị rồi trình Quốc hội trong thời gian ngắn kỷ lục (3 ngày trước khi Kỳ họp bất thường lần thứ chín khai mạc mới có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Nhưng Nghị quyết số 57-NQ/TW được xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” không thể chờ sửa các luật liên quan rồi mới từ từ đi vào cuộc sống được.

Thế nên, “phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, nhìn thẳng vào những vấn đề của thực tế để có cách tháo gỡ”, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khi thảo luận tại tổ.

Tinh thần này cũng đã được thể hiện rất rõ trong quá trình bàn về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, để đưa dự án vận hành vào năm 2030.

Với thời gian thực hiện dự án chỉ có 5 năm (thông lệ quốc tế là 5 năm xây dựng dự án và khoảng 3 năm chuẩn bị dự án), thì chỉ khi Quốc hội “cho” chính sách thật sự đặc biệt, Chính phủ mới có thể tranh thủ thời gian, đặc biệt là trong vấn đề lựa chọn đối tác để đàm phán, để khẩn trương xây dựng báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, trên cơ sở đó mới có thể trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô vốn, công nghệ… cụ thể tại kỳ họp gần nhất.

Tương tự, cùng với chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc hội đặt lên bàn nghị sự tới 19 cơ chế đặc thù, đặc biệt để dự án có thể hoàn thành vào năm 2030.

Cùng với đó, hàng loạt chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, cũng được Quốc hội thông qua.

Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng được sửa đổi với đột phá mạnh mẽ về quy trình, khi thời gian từ khởi thảo đến thông qua một văn bản quy phạm pháp luật rút ngắn từ 22 tháng xuống còn 10 tháng nếu đủ các bước và thậm chí, theo quy trình rút gọn, chỉ còn 2 tháng.

Sẽ không có con số nào (dù chỉ là tương đối) tính toán nổi ích lợi khi các đại dự án đường sắt đô thị, đường sắt liên tỉnh hay điện hạt nhân… được thể chế tạo đà. Thời gian là tiền bạc. Nhưng nguồn lực thể chế được khơi thông không đơn thuần chỉ là tiết kiệm thời gian.

Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển - người đứng đầu Chính phủ đã hơn một lần khẳng định như thế. Bởi vậy, Quốc hội đã không chờ đến kỳ họp thường kỳ mới khơi thông nguồn lực đó.

Quốc hội sắp khép lại một kỳ họp bất thường và việc khơi thông nguồn lực thể chế đã trở thành bình thường, khi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cần kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nguyên An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguon-luc-the-che-d247630.html
Zalo