Điều khó nhất trong chấm dứt xung đột Nga - Ukraine sau bao đau thương

Việc cân bằng giữa chủ quyền của Ukraine với yêu cầu của Nga về 'bảo đảm an ninh' là phần khó nhất trong đàm phán cho hòa bình tại Ukraine. Tuy nhiên, hai bên có thể thực hiện các nhượng bộ quan trọng nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu này, theo giới chuyên gia.

Tổng thống Mỹ Trump muốn đạt một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột vũ trang tại Ukraine. Điện đàm giữa ông và Tổng thống Nga Putin cũng như một cuộc gặp giữa các quan chức Nga - Mỹ tại Saudi Arabia trong tuần này đã thắp lên hy vọng về đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Xe tăng Ukraine bị UAV Nga phá hủy trong xung đột vũ trang giữa hai nước. Ảnh: Nytimes.

Xe tăng Ukraine bị UAV Nga phá hủy trong xung đột vũ trang giữa hai nước. Ảnh: Nytimes.

Tuy nhiên, liệu những cuộc thương lượng như vậy có cho ra kết quả tích cực? Ai sẽ tham gia? Thỏa thuận sẽ như thế nào?

Hồi năm 2022, Nga và Ukraine đã tổ chức đàm phán trực tiếp nhưng không đạt được thỏa thuận hòa bình nào.

Hiện nay, Ukraine ít có sự lựa chọn trong việc đảo ngược thành quả gần đây của Nga trên chiến trường. Điều đó nhiều khả năng đồng nghĩa với việc bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng chứa đựng sự nhượng bộ lớn từ phía Ukraine.

Mặc dù vậy, phía Nga cũng có thể có những nhượng bộ nhất định. Nền kinh tế Nga đang đối mặt lạm phát cao, lại phải chi nhiều cho các hoạt động quân sự. Dù giành được nhiều đất, quân đội Nga không tránh khỏi có những thương vong lớn. Ngoài ra, Nga vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây - các lệnh này có thể được dỡ bỏ nếu Nga chấp nhận một số nhượng bộ.

Tất nhiên đàm phán về Ukraine sẽ cực kỳ phức tạp. Phía Ukraine và EU lo ngại Tổng thống Mỹ Trump có xu hướng tìm kiếm một thỏa thuận tạo lợi thế cho Nga trước cả EU lẫn Ukraine.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận vừa thỏa mãn Nga vừa bảo đảm chủ quyền và an ninh của Ukraine.

Những ai ngồi vào bàn đàm phán?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tìm cách cô lập Nga về ngoại giao, đồng thời khẳng định rằng bất cứ cuộc đàm phán nào về số phận của Ukraine đều phải có sự tham gia của người Ukraine. Tân Tổng thống Mỹ Trump đã phá vỡ cách tiếp cận đó vào ngày 12/2/2025, khi ông thảo luận tình hình Ukraine trong một cuộc điện đàm kéo dài với Tổng thống Nga Putin trước khi thông báo cho Tổng thống Ukraine Zelensky về cuộc trao đổi đó.

Tuy nhiên, hiện nay, có vẻ chính Ukraine mới rơi vào thế cô lập. Tổng thống Zelensky nói rằng ông không được mời tham gia các cuộc thảo luận trong tuần này giữa các trợ lý cấp cao của Tổng thống Trump và của người đồng cấp Nga tại Saudi Arabia.

Châu Âu cũng có thể bị loại khỏi các cuộc đàm phán như vậy dù rằng tổng viện trợ của châu Âu cho Ukraine kể từ khi bùng nổ xung đột lên tới 140 tỷ USD, cao hơn những gì mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.

Ông Trump cho biết, ông có thể sẽ sớm gặp trực tiếp ông Putin tại Saudi Arabia.

Qatar, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine trong các vấn đề như trao đổi tù binh và hoạt động hàng hải trên Biển Đen.

Vấn đề lãnh thổ giữa hai bên

Ukraine cho biết họ sẽ không bao giờ công nhận bất cứ sự thay đổi nào đối với đường biên giới của mình. Nga tuyên bố chủ quyền không chỉ đối với khoảng 20% diện tích Ukraine mà Nga hiện đang kiểm soát mà còn đối với cả một dải lãnh thổ do Ukraine đang kiểm soát bên trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập.

Ở đây có khả năng hai bên sẽ lựa chọn phương án “đóng băng chiến sự”. Nga sẽ tiếp tục kiểm soát những lãnh thổ mà họ đã chiếm được nhưng ngừng chiến đấu thêm. Về phần mình, Ukraine và phương Tây không chính thức công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine thời gian qua. Khi ấy, kịch bản thỏa thuận hòa bình có thể quy định rằng các tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết một cách hòa bình vào một thời điểm nào đó trong tương lai, có thể 10 năm hoặc 15 năm nữa.

Dẫu vậy vẫn có một điểm nghẽn - đó là Kursk.

Hiện nay Ukraine vẫn kiểm soát được khoảng 500km2 lãnh thổ bên trong tỉnh Kursk của Nga. Nga đã bác bỏ ý tưởng Ukraine lấy Kursk ra làm lá bài mặc cả trong đàm phán tương lai. Thế nhưng, một khi Nga chưa đánh bật được hết lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk thì dù ít dù nhiều Kiev vẫn có thể mặc cả để buộc Moscow phải thực hiện một số nhượng bộ nào đó.

Vấn đề gia nhập NATO và EU, các bảo đảm an ninh

Ukraine mong muốn vừa lấy lại lãnh thổ bị Nga chiếm, vừa có cơ chế để bảo đảm an ninh cho Ukraine trong tương lai, ngụ ý việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Nga coi việc Ukraine gia nhập NATO là điều đe dọa an ninh và sự sinh tồn của Nga.

Tuy nhiên, vẫn có lối thoát theo kiểu thỏa hiệp ở đây - Ukraine sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) thay vì gia nhập NATO.

Khi Ukraine không được kết nạp vào NATO, Tổng thống Zelensky nêu ý tưởng triển khai 200.000 quân nước ngoài tới Ukraine để bảo vệ các lệnh ngừng bắn. Nhưng giới phân tích cho rằng phương Tây không thể tạo ra một lực lượng đông đến như vậy để sang giúp Kiev.

Về phần mình, Nga cũng muốn có những bảo đảm an ninh cho riêng họ, để đảm bảo Ukraine sẽ không cố tái xây dựng năng lực quân sự và tái chiếm những lãnh thổ mà Nga chiếm đóng. Nga muốn khống chế quy mô quân đội Ukraine và cấm quân nước ngoài tiến vào Ukraine.

Một nhóm chuyên gia của giáo sư luật Đại học Cambridge, Marc Weller, đã soạn một dự thảo thỏa thuận hòa bình có yếu tố thỏa hiệp: Triển khai lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình gồm 7.500 người đến từ những quốc gia mà cả Nga và Ukraine đều chấp nhận được.

Đề xuất của Weller cũng bao gồm chế tài trừng phạt bất cứ bên nào khởi động lại chiến sự. Theo đề xuất này, Ukraine sẽ được phép tổ chức tập trận hạn chế với các nước khác, đồng thời hợp tác với những nước đó về sản xuất vũ khí và huấn luyện quân sự.

Các cơ chế đình chiến và vấn đề NATO ở Đông Âu

Độ dài của hòa bình sẽ xoay quanh các điểm mấu chốt trong thỏa thuận ngưng chiến. Cựu nhà ngoại giao Thụy Sĩ, Thomas Greminger, người từng tham gia giám sát ngừng bắn ở Đông Ukraine sau năm 2015, nêu ra 3 điểm chủ chốt sau.

Thứ nhất là việc nhất trí về “đường tiếp xúc” chia tách lãnh thổ do Nga kiểm soát với lãnh thổ do Ukraine nắm giữ.

Thứ hai, cần có một vùng “cách ly” hay vùng đệm giữa các lực lượng vũ trang của hai bên, nhằm ngăn ngừa đạn lạc hay hiểu lầm nào đó dẫn tới việc hai bên lâm chiến.

Thứ ba, cần có phương thức để hai bên phải chịu trách nhiệm về các vi phạm ngừng bắn.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn là nhằm ép phương Tây chấp nhập một cấu trúc an ninh mới ở châu Âu.

Nhiều tuần trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Putin công bố một tối hậu thư yêu cầu NATO ngừng Đông tiến và phải rút quân khỏi nhiều nơi ở châu Âu. Và trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào ngày 12/2 vừa qua, ông Putin một lần nữa cảnh báo về “nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột” này, theo điện Kremlin.

Như vậy, Nga có khả năng đưa ra những yêu sách vượt ra ngoài bản thân số phận của Ukraine. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ cũng có thể lập luận rằng việc rút quân NATO khỏi châu Âu sẽ làm tăng nguy cơ Nga tiến công Ba Lan và các nước Baltic. Tuy nhiên, dường như đương kim Tổng thống Mỹ Trump hài lòng với một thỏa thuận theo hướng NATO phải rút quân khỏi nhiều nơi ở châu Âu vì ông Trump vốn hoài nghi về nhu cầu triển khai quân Mỹ ra nước ngoài.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/dieu-kho-nhat-trong-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-sau-bao-dau-thuong-post1155587.vov
Zalo