Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm
ĐTO - Hướng đến phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, huyện Tân Hồng triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Đồng thời tập trung phát triển và xây dựng chuỗi ngành hàng chủ lực, tiềm năng, thế mạnh của huyện...

Huyện Tân Hồng đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
Theo UBND huyện Tân Hồng, mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn huyện có diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đạt 21.000ha; sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành 14.000ha; sản xuất lúa chất lượng cao 36.00ha; có 6.200ha lúa tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đồng thời giữ ổn định diện tích sản xuất hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng cỏ 3.300ha; đàn trâu, bò phát triển ổn định 18.000 con...
Thời gian qua, huyện còn triển khai nhân rộng các mô hình, dự án nông nghiệp tiên tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát thải cac-bon thấp thân thiện với môi trường, nền nông nghiệp đầu tư có trách nhiệm, minh bạch. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở sản phẩm đã có, sản phẩm tiềm năng mang tính cộng đồng góp phần phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn những giá trị truyền thống, bản địa địa phương.
Huyện Tân Hồng huy động, thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực từ chính người nông dân và sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức. Đồng thời tổ chức quản lý và triển khai có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cùng với đó, thu hút, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp bằng việc tạo điều kiện hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, huyện cũng tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình trình diễn, các dự án phát triển sản xuất. Đồng thời tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc...