Các chiến trường mới cho sự thống trị AI: 3 điều cần biết về thương mại khoáng sản đất hiếm
Các nước trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ cạnh tranh về khả năng điện toán mà còn tranh giành những nguồn tài nguyên vật lý.
Sự bùng nổ AI đã thúc đẩy nhu cầu với khoáng sản đất hiếm, thành phần then chốt nằm trong trung tâm của công nghệ và phần cứng AI, nhưng thị trường toàn cầu cho những vật liệu này lại rất phức tạp và dễ bị gián đoạn.
“Những nguyên liệu đầu vào khan hiếm và tập trung ở một số ít quốc gia này cực kỳ dễ bị gián đoạn, khiến chúng trở thành chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh sự thống trị AI”, các nhà phân tích của Barclays nhận định trong một báo cáo.
Barclays là tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại London, thủ đô Anh. Công ty cung cấp nhiều dịch vụ tài chính, gồm ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, ngân hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Barclays được thành lập từ năm 1690 và là một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới. Ngày nay, Barclays có mặt trên khắp thế giới và được biết đến với các hoạt động tài chính mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Các nhà phân tích của Barclays thường cung cấp các báo cáo và dự báo tài chính về các hãng công nghệ, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Trong một bài phân tích chi tiết, Barclays chỉ ra sự mất cân bằng lớn về thương mại đất hiếm hiện nay, điều này có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng với giá cả và sự phát triển công nghệ.
Các kim loại đất hiếm nổi bật nhờ đặc tính từ tính độc đáo, là huyết mạch của công nghệ bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các kim loại quan trọng như đồng, lithium, nhôm, niken và coban lại đang nằm trong tay một số ít quốc gia kiểm soát thị trường.
Dưới đây là 3 điều cần biết về thị trường các kim loại đang góp phần làm nên sự bùng nổ của AI hiện nay:
1. Trung Quốc “gần như độc quyền”
Không thể phủ nhận rằng thị trường đất hiếm hiện nay đang bị tập trung hóa nghiêm trọng. Trung tâm của chuỗi cung ứng này là Trung Quốc, quốc gia đang thống trị cả khai thác lẫn chế biến, giúp họ giữ vị thế “gần như độc quyền”.
“Trung Quốc nổi bật là nhà cung cấp khoáng sản tinh chế hàng đầu thế giới, cung cấp gần 80% lượng coban đã qua chế biến, 65% lithium tinh chế, 44% đồng tinh chế và 27% niken tinh chế. Tổng thể, Trung Quốc chiếm gần 50% thị trường khoáng sản tinh chế toàn cầu”, theo báo cáo của Barclays.

Công nhân vận chuyển đất chứa các nguyên tố đất hiếm để xuất khẩu tại một cảng ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trung Quốc rất ý thức về đòn bẩy mà họ nắm giữ trong lĩnh vực này. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao vào tháng 4, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp dụng kiểm soát xuất khẩu với kim loại đất hiếm.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng đất hiếm bị siết chặt. Hiện tại, không có hoạt động tách đất hiếm nặng nào đang diễn ra tại Mỹ. Mất quyền tiếp cận các vật liệu này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất chip và thiết bị quốc phòng.
Đất hiếm nặng là nhóm nguyên tố đất hiếm có trọng lượng nguyên tử lớn hơn, thường hiếm hơn và có giá trị cao hơn so với đất hiếm nhẹ.
2. Các quốc gia khác đang tăng tốc
Vẫn còn hy vọng trong tương lai. Trung Quốc có thể giữ ngôi vương về kim loại tinh chế và khoáng vật từ tính, nhưng các quốc gia khác đang dần mở rộng vai trò trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu thô.
Chile, Cộng hòa Dân chủ Congo và Guinea là những nhà sản xuất hàng đầu, mỗi nước thống trị một loại quặng cụ thể. Những quốc gia này tập trung cải thiện năng lực khai thác, trong đó xuất khẩu nhôm của Guinea đã tăng gấp 12 lần kể từ năm 2010.
Barclays nhận định: “Bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đáng tin cậy, các nước mới nổi và đang phát triển có thể giành được lợi thế địa chính trị. Họ có thể thiết lập các mối quan hệ thương mại chiến lược với những nền kinh tế công nghệ như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản”. Mỹ đã sẵn sàng thiết lập các mối quan hệ.
Tuần này, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Ukraine, cấp cho họ quyền tiếp cận ưu tiên các nguồn tài nguyên của nước này, gồm cả kim loại và khoáng sản quan trọng cho AI.
Theo trang The Independent, Ukraine sở hữu những mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu với giá trị ước tính hơn 12.000 tỉ bảng Anh, phần lớn chưa được khai thác. Điểm đặc biệt là Ukraine nắm giữ đến nửa triệu tấn lithium (lớn nhất châu Âu).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều năm qua không ngừng cố gắng khai thác nguồn khoáng sản dồi dào này. Năm 2021, ông mời gọi nhà đầu tư nước ngoài bằng cách giảm thuế, song mọi việc đình trệ vì cuộc chiến với Nga nổ ra. Do biết Tổng thống Trump thích quản trị theo kiểu giao dịch nên ông Volodymyr Zelensky đưa cả nội dung cho phép khai thác đất hiếm vào “kế hoạch chiến thắng” đề xuất năm ngoái.
Khoảng 53% tổng số đất hiếm của Ukraine nằm ở 4 vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson (bị Nga sáp nhập vào tháng 9.2022). Bán đảo Crimea nắm giữ số khoáng sản trị giá khoảng 165 tỉ bảng Anh. Vùng Dnipropetrovsk giáp Donetsk và Zaporizhzhia có số khoáng sản trị giá 2.800 tỉ bảng Anh.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố kim loại trong bảng tuần hoàn, có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho ô tô điện, tua bin gió cùng nhiều thiết bị điện tử.
Khó khai thác đất hiếm vì hầu hết mỏ đều có chất lượng lẫn nồng độ thấp. Nhu cầu tăng cao khiến các quốc gia quyết liệt chạy đua đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính nhu cầu đất hiếm năm 2040 sẽ gấp 7 lần hiện tại.
Danh sách 17 nguyên tố đất hiếm chia thành 2 nhóm chính:
Đất hiếm nhẹ
Lanthan (La)
Cerium (Ce)
Praseodymium (Pr)
Neodymium (Nd)
Promethium (Pm)
Samarium (Sm)
Đất hiếm nặng
Europium (Eu)
Gadolinium (Gd)
Terbium (Tb)
Dysprosium (Dy)
Holmium (Ho)
Erbium (Er)
Thulium (Tm)
Ytterbium (Yb)
Lutetium (Lu)
Yttrium (Y)
3. Giá cả có thể tăng mạnh
Các kim loại đất hiếm là thành phần quan trọng của nhiều công nghệ, từ ô tô điện, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu AI đến thiết bị quân sự. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn nhận ra thực tế này, Barclays cho biết.
“Khoáng sản quý hiếm buộc phải nhập khẩu, với nhu cầu dự kiến tăng 500% vào năm 2050, có thể khiến đồng, lithium và niken trở nên giá trị hơn cả dầu khí. Trong thập kỷ tới, nhu cầu tăng mạnh với các khoáng sản này có thể đẩy giá lên cao - một xu hướng mà thị trường vẫn chưa chú ý đầy đủ”, các nhà phân tích của Barclays viết.
Hai năm qua, giá các kim loại và khoáng sản hiếm đã giảm, phản ánh sự điều chỉnh từ mức giá cao trong thời kỳ đại dịch COVID-19 cùng lượng tồn kho dồi dào. Tuy nhiên, Barclays lưu ý rằng điều này không hẳn là tích cực, bởi giá giảm đã ảnh hưởng đến các khoản đầu tư cần thiết để đáp ứng nhu cầu tương lai.