Ngân hàng dự phòng kịch bản ứng phó tác động thuế quan Hoa Kỳ

Ngành Ngân hàng dù không trực tiếp tham gia xuất khẩu sang Mỹ, nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nếu hoạt động thương mại suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Lãnh đạo các ngân hàng đã và đang chuẩn bị các kịch bản ứng phó trước biến động của kinh tế toàn cầu.

Sản xuất chế biến cá hộp xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thương mại Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Sản xuất chế biến cá hộp xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thương mại Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Nhu cầu vay vốn sẽ giảm khi xuất khẩu bị đình trệ

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB Phạm Như Ánh cho biết: “Nhóm khách hàng xuất khẩu sang Mỹ (bao gồm cả có vốn đầu tư nước ngoài FDI và trong nước) tại MB không lớn, chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ. MB đã làm việc với nhóm khách hàng này, tư vấn cho khách hàng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ về mặt tài chính, để vượt qua khó khó khăn".

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB, ngân hàng đã dự trù các kịch bản khó khăn trong kế hoạch năm 2025. “Tăng trưởng tín dụng dự kiến 24 - 25%, doanh thu tăng 20 - 25% và lợi nhuận tăng 10%, kể cả trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng do doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động từ thuế quan”, ông Lưu Trung Thái chia sẻ. Tỷ lệ nợ xấu của MB hiện ở mức 1,63%, thấp hơn mặt bằng chung của ngành là 2,8%. Phía ngân hàng đang chủ động ghi nhận rủi ro sớm và tăng chi phí dự phòng với kế hoạch nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100% năm nay.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, tổng dư nợ của các nhóm khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách này hiện vào khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng dư nợ của BIDV. Những ngành nghề có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn bao gồm thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp.

“Thuế quan từ Hoa Kỳ có thể tác động toàn diện đến nhiều mặt hoạt động như tín dụng, huy động vốn hay dịch vụ ngân hàng. Nhu cầu vay vốn sẽ giảm khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, buộc phải cắt giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới, kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu tín dụng. Không chỉ vậy, hoạt động huy động vốn, đặc biệt từ các doanh nghiệp FDI cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lượng tiền gửi của nhóm này là ngoại tệ...", ông Phan Đức Tú nhấn mạnh.

Một số ngân hàng cũng lo ngại, khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ ngân hàng sẽ chậm lại, khiến chất lượng tín dụng giảm sút, dẫn tới ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận.

Về phía SHB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển cho hay, ngân hàng đã tiến hành rà soát toàn bộ danh mục tín dụng, đặc biệt tập trung vào nhóm khách hàng xuất khẩu, đối tượng được đánh giá có khả năng chịu tác động rõ rệt trước những biến động của chính sách thuế quan. Tuy nhiên, tỷ trọng ảnh hưởng được đánh giá là không quá lớn.

“Về hợp tác với Mỹ, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ. Hai bên đã trao đổi cụ thể trên nhiều lĩnh vực từ nông sản, năng lượng đến máy bay và động cơ máy lạnh. Chúng tôi đã bàn bạc về các điều chỉnh cần thiết để tiếp tục hợp tác hiệu quả. Từ những kết quả đó, tôi tin tưởng SHB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay", Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết.

Còn theo Vietcombank, ngân hàng bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với khách hàng, để cùng với khách hàng có giải pháp phối hợp với nhau, hạn chế tác động nếu bị đánh thuế với quy mô cao như dự kiến ban đầu. “Có 2 giải pháp cơ bản, một là chính sách đa dạng hóa chuyển dịch thị trường và hai là chính sách hỗ trợ tài chính trong lúc gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không xuất khẩu được, đơn hàng bị giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại diện Vietcombank cho biết.

Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner (hình trái) và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner (hình trái) và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Chia sẻ về triển vọng phát triển trong thời gian tới, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank nhận định, dù chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng tốc đầu tư công nghệ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh đó, sự đầu tư của ngân hàng vào dữ liệu, số hóa và nhân tài, cùng sự vững mạnh của mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng qua các chu kỳ thị trường, sẽ giúp Techcombank sẵn sàng tăng tốc.

Vận hành mô hình hệ sinh thái số toàn diện

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Eximbank đặt ra vượt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm ngoái.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Eximbank đặt ra vượt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây của Eximbank, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, thời gian tới, Eximbank đầu tư cho chuyển đổi số, thay đổi mạnh mẽ về tư duy số hóa toàn diện từ onboarding khách hàng trực tuyến, triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng số, phục vụ khách hàng trên không gian số. Điều này sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, tăng tốc độ và năng suất hệ thống. Tuy nhiên, đi cùng với đó là yêu cầu đầu tư lớn cho công nghệ và hoạch định rõ ràng để không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển công nghệ mới.

Eximbank sẽ tập trung vào thế mạnh của mình ở mảng xuất nhập khẩu, tập trung tối ưu hóa lợi ích, giao dịch tài trợ thương mại, tăng thu nhập từ phí dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ thay vì chỉ cạnh tranh bằng lãi suất. Eximbank có những khách hàng gắn bó bền vững 15 - 20 năm qua, tỷ lệ khách hàng lâu năm thuộc top cao nhất thị trường là nền tảng để phát triển mảng tài trợ thương mại về dài hạn. Năm qua, Eximbank đã được nhiều đối tác nước ngoài cấp hạn mức tài trợ lớn, từ 200 - 400 triệu USD, phục vụ tài trợ thương mại.

Ban lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngân hàng trong xây dựng và vận hành mô hình hệ sinh thái số toàn diện trong năm nay. Khác với mô hình sở hữu hay đầu tư đa ngành, hệ sinh thái của Techcombank được kiến tạo dựa trên cơ sở phân khúc khách hàng mục tiêu chung của hệ sinh thái, thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, đầu tư mạnh mẽ vào AI, GenAI và dữ liệu. Đến nay, Techcombank và các đối tác trong hệ sinh thái đã có thể tiếp cận hơn 25 triệu khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể nhờ vào năng lực dữ liệu vượt trội.

Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-du-phong-kich-ban-ung-pho-tac-dong-thue-quan-hoa-ky-20250503142709780.htm
Zalo