Lợi ích của việc lập hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng

Ngành thuế đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng trong các hoạt động kinh doanh. Việc lập hóa đơn điện tử trong những lần bán hàng là giải pháp quan trọng không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh hạch toán kinh doanh dễ dàng, minh bạch thị trường, tạo dựng niềm tin với khách hàng, mà còn giúp cơ quan thuế xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đầy đủ, tập trung, liên tục.

Việc lấy hóa đơn điện tử sau mỗi lần mua hàng sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua hàng, được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại

Việc lấy hóa đơn điện tử sau mỗi lần mua hàng sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua hàng, được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại

Thời gian qua, ngành thuế Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp triển khai lập hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền ở nhiều dịch vụ khác nhau; đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng.

Hơn 2 năm qua, đã thành thói quen khi mua hàng hóa ở siêu thị và các đại lý, bà Trần Thị Tươi ở phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn) đều chủ động cung cấp thông tin cá nhân và đề nghị người bán hàng xuất hóa đơn điện tử cho mình. Bà Tươi cho biết: “Thông qua các phương tiện truyền thông tôi được biết có nhiều người trúng các giải thưởng lớn từ chương trình “Hóa đơn may mắn”. Vì vậy, khi đi mua hàng tôi cũng yêu cầu các cửa hàng xuất hóa đơn, biết đâu mình lại may mắn trúng thưởng. Hơn nữa, khi mình cung cấp đầy đủ thông tin, lấy hóa đơn, nhiều siêu thị, cửa hàng còn tích điểm khuyến mại, giảm giá cho lần sau mua hàng. Cuối năm 2024, nhận được tin mình trúng giải nhất chương trình “Hóa đơn may mắn” trị giá 10 triệu đồng do Cục Thuế Thanh Hóa (nay là Chi cục Thuế Khu vực X) tổ chức tôi rất phấn khởi. Tôi mong mọi người khi mua hàng hóa đều đề nghị người bán hàng xuất hóa đơn điện tử theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của chính mình, chung tay xây dựng thói quen văn minh khi mua hàng hóa, dịch vụ”.

Xăng, dầu là mặt hàng có nguy cơ xảy ra hành vi gian lận, làm thất thoát, ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh, Cục Thuế Thanh Hóa (nay là Chi cục Thuế Khu vực X) đã tích cực phối hợp tuyên truyền về việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu; giao chỉ tiêu cụ thể đến các phòng, đội thuế, cán bộ công chức trong việc hỗ trợ, giám sát, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị, tọa đàm, tập huấn, trao đổi để tháo gỡ kịp thời; tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm về hóa đơn điện tử, chia sẻ các giải pháp; kiên quyết xử lý các cửa hàng chây ỳ...

Bà Thái Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Quý ở đường Bà Triệu, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) chuyên kinh doanh xăng, dầu cho biết: “Việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu là hết sức cần thiết. Tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của công ty, chúng tôi đều đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm và hệ thống kết nối đồng bộ từ cột bơm tới bộ phận kế toán bảo đảm hóa đơn được tạo lập ngay sau khi hoàn thành giao dịch mua xăng dầu của khách hàng. Hóa đơn này được chuyển tới khách hàng bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Việc lập, xuất và phát hành hóa đơn điện tử không chỉ giúp chúng tôi tăng cường kiểm soát các giao dịch mua bán, mà còn giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo đảm quyền lợi, bảo vệ lợi ích của chính mình. Các thông tin về mã số thuế, thời gian bơm, biển số xe, lượng xăng, dầu... đều được cập nhật trên hóa đơn, tích hợp với hệ thống phần mềm quản lý của doanh nghiệp và gửi về Chi cục Thuế Khu vực X theo dõi, kiểm soát, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, chống gian lận, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực”.

Việc lấy hóa đơn điện tử sau mỗi lần mua hàng cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua hàng được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại, như: bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa... Với người bán hàng, việc xuất hóa đơn điện tử góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch giữa các doanh nghiệp, tránh cạnh tranh không lành mạnh; nâng cao uy tín, độ tin cậy của doanh nghiệp với khách hàng.

Với ngành thuế, giúp hạn chế thất thu ngân sách do gian lận thuế từ việc không xuất hóa đơn hoặc kê khai không đúng doanh thu; đồng thời góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa công tác quản lý của ngành thuế. Đến nay, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong toàn tỉnh đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng; hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại đăng ký sử dụng, đã xuất gần 10 triệu hóa đơn điện tử từ máy tính tiền cho khách hàng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng, Chi cục Thuế Khu vực X tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quyền và lợi ích của người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh. Qua đó, cá nhân, người tiêu dùng hiểu và đồng hành cùng cơ quan thuế trong việc giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, quản lý thuế hiệu lực, hiệu quả.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/loi-ich-cua-viec-lap-hoa-don-dien-tu-nbsp-sau-moi-lan-ban-hang-247557.htm
Zalo