Quyền lực của Fed

Là cơ quan kiểm soát đồng tiền dự trữ lớn nhất toàn cầu, khi Fed 'hắt hơi', cả thế giới phải phản ứng.

 Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Jerome Powell tổ chức họp báo sau khi Fed tăng lãi suất năm 2023. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Jerome Powell tổ chức họp báo sau khi Fed tăng lãi suất năm 2023. Ảnh: Reuters.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không được sinh ra để bảo vệ chế độ bản vị vàng như nhiều người lầm tưởng. Như cựu Chủ tịch Ben S. Bernanke từng khẳng định trong cuốn sách Chính sách tiền tệ thế kỷ 21, Fed ra đời để ngăn chặn những làn sóng khủng hoảng tài chính, thực hiện cung cấp thanh khoản cho các tổ chức tài chính đang đứng bên bờ vực sụp đổ.

Dựa theo châm ngôn của Walter Bagehot - “cho vay không giới hạn với tài sản thế chấp tốt” - Fed trở thành chiếc van xả áp lực, tránh cho toàn hệ thống ngân hàng đổ vỡ dây chuyền.

Hơn hết, với vai trò là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế toàn cầu. Bất kỳ điều chỉnh nào trong chính sách tiền tệ của Fed đều có thể gây hiệu ứng dây chuyền lên thị trường tài chính quốc tế.

"Người giữ cân bằng" trong kỷ nguyên bất ổn tài chính mới

Fed đóng vai trò như “người giữ cân bằng” then chốt của hệ thống kinh tế Mỹ. Từ sứ mệnh ban đầu là người cho vay cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu thế kỷ 20, Fed đã mở rộng quyền lực và phạm vi ảnh hưởng theo nhịp tiến hóa của thị trường tài chính hiện đại. Khi phần lớn tín dụng dịch chuyển khỏi hệ thống ngân hàng truyền thống sang các “ngân hàng bóng tối” (bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, các tổ chức cho vay ngắn hạn), Fed buộc phải sử dụng quyền hạn khẩn cấp để hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính bằng các công cụ như lãi suất, trái phiếu dài hạn, trái phiếu có tài sản đảm bảo...

Điều này đã thể hiện rõ trong khủng hoảng năm 2008. Trong nhiệm kỳ 2006-2010, Chủ tịch FEd Bernanke quyết định mua hàng tỷ USD trái phiếu có tài sản đảm bảo và trái phiếu dài hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cho đến những năm hậu COVID-19, dưới thời của Chủ tịch Jerome Powell, Fed thực hiện liên tiếp nhiều đợt tăng lãi suất, nâng mức lãi suất từ gần 0% lên khoảng 5,25–5,50% (tính đến cuối năm 2023). Đây là sự can thiệp cần thiết để đưa lạm phát tại Mỹ trở lại mục tiêu 2%.

 Cuốn sách Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 của cựu Chủ tịch FED Ben S. Bernanke. Ảnh: Omega+

Cuốn sách Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 của cựu Chủ tịch FED Ben S. Bernanke. Ảnh: Omega+

Sự mở rộng nhiệm vụ này đã được các chuyên gia nhận định trong nhiều tác phẩm. Theo hai nhà khoa học Lawrence R. Jacobs và Desmond King viết trong tác phẩm Fed Power, "Fed bảo vệ nước Mỹ khỏi chính chính phủ của mình - đó là một người giám hộ được bảo vệ khỏi sự can thiệp chính trị”. Cựu chủ tịch Bernanke nhận định trong cuốn Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 rằng "việc duy trì ổn định tài chính đang dần trở thành nhiệm vụ thứ ba của Fed, vì nếu hệ thống tài chính lung lay, mọi nỗ lực kiểm soát lạm phát hay thúc đẩy việc làm đều trở nên vô nghĩa”.

Là tổ chức kiểm soát dòng chảy của đồng USD (đồng tiền dự trữ lớn nhất toàn cầu) mọi quyết định của Fed, từ nâng lãi suất đến giảm cung tiền, đều kéo theo hiệu ứng domino lên lạm phát, tỷ giá và dòng vốn tại các nền kinh tế mới nổi. Chính vì thế, khi Fed hành động, cả thế giới đều phản ứng. Không có ngân hàng trung ương nào trên thế giới bị theo dõi sát sao như Fed. Trong một thế giới đối mặt với rủi ro từ bong bóng tài sản, suy thoái tín dụng, khủng hoảng mạng và bất định địa chính trị, vai trò của Fed giờ đây không chỉ là thiết lập lãi suất mà là bảo vệ điểm cân bằng cuối cùng.

Sức ảnh hưởng của Fed tới nền kinh tế toàn cầu

Đối với các quốc gia mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil hay Nam Phi, những nước phụ thuộc lớn vào vay nợ bằng USD, việc Fed tăng lãi suất đồng nghĩa với chi phí vay cao hơn, đồng nội tệ mất giá, và nợ nước ngoài trở nên khó trả hơn. Áp lực kép từ tăng lãi suất và đồng USD mạnh khiến chi phí tài chính của họ leo thang, trong khi dòng vốn đầu tư lại chảy về Mỹ, nơi được xem là an toàn và sinh lời cao hơn.

Tác động này là một “cú sốc thực tế” đối với thị trường lao động, xuất khẩu và tỷ giá của các nền kinh tế này. Ước tính, khi lãi suất Mỹ tăng, GDP của các nền kinh tế tiên tiến có thể giảm 0,5% sau ba năm, còn với các nền kinh tế mới nổi, mức giảm có thể lên tới 0,8%.

Khi lãi suất tăng, đồng USD có xu hướng mạnh lên. Với các nền kinh tế phát triển, một đồng USD mạnh thường là dấu hiệu tích cực, phản ánh niềm tin vào tăng trưởng. Nhưng ở các nước đang phát triển, điều này lại kéo theo hệ lụy: từ nợ công tính theo USD, nhập khẩu đắt đỏ hơn, đến việc mất sức cạnh tranh xuất khẩu.

 Trụ sở của Fed. Ảnh: Reuters.

Trụ sở của Fed. Ảnh: Reuters.

Thị trường hàng hóa cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Khi đồng USD tăng giá, các mặt hàng định giá bằng USD như dầu, vàng hay bông sẽ trở nên đắt đỏ với các quốc gia không dùng USD, khiến giá hàng hóa leo thang và hạn chế nguồn tín dụng cho các nước phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên.

Không chỉ riêng Fed, các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã giảm lãi suất hai lần trong năm 2024. Một mặt, đây là phản ứng chung nhằm ứng phó với lạm phát toàn cầu; mặt khác, sự điều phối này có thể khuếch đại tác động lên thị trường toàn cầu từ dòng vốn, tỷ giá cho đến chi phí vốn ở nhiều khu vực.

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, Fed không còn có thể chỉ quan sát những diễn biến nội địa để đưa ra chính sách. Theo tác giả Ben S. Bernanke, sự vận hành hiệu quả của chính sách tiền tệ Mỹ đòi hỏi một hiểu biết toàn diện không chỉ về tình hình kinh tế trong nước mà còn cả những biến động từ bên ngoài, từ thị trường vốn quốc tế đến hệ thống thương mại toàn cầu.

Điều này không có nghĩa Fed mất đi quyền kiểm soát. Trái lại, khả năng tác động đến điều kiện tài chính trong nước thông qua công cụ lãi suất vẫn là “vũ khí” quan trọng giúp Fed định hình chi phí tín dụng và sức mua của đồng USD. Chính nhờ vào sự minh bạch và độ sâu của thị trường tài chính Mỹ, các cú sốc từ nước ngoài thường được giảm thiểu một cách đáng kể.

Tháng 9/2024, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định giảm mục tiêu lãi suất điều hành sau nhiều tháng dữ liệu thị trường lao động Mỹ cho thấy sự yếu đi. Với lạm phát toàn cầu ở mức 5,9% và lạm phát tại các nền kinh tế tiên tiến dao động khoảng 2,6% (theo IMF), quyết định của Fed tạo ra những dư chấn lan rộng toàn cầu.

“Quyết sách của Fed không chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ. Chúng tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới,” bà Reena Aggarwal - Giám đốc Trung tâm Psaros về thị trường tài chính tại Đại học Georgetown - nhận định.

Trong một thế giới liên kết chặt chẽ, mỗi bước đi của Fed đều như “nắn chỉnh” nhịp đập tài chính toàn cầu. Từ lãi suất đến tỷ giá, từ thị trường lao động Mỹ đến dòng vốn tại châu Á, vai trò của Fed vượt xa một ngân hàng trung ương thông thường. Việc hiểu rõ tác động hai chiều giữa Fed và thế giới là điều kiện tiên quyết để hoạch định chính sách bền vững cho cả hệ sinh thái tài chính toàn cầu trong thế kỷ 21.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/quyen-luc-cua-fed-post1550540.html
Zalo