Nông nghiệp thời công nghệ số
Công nghệ số đang 'gõ cửa' những hộ dân làm nông nghiệp ở Thái Nguyên. Không chỉ riêng các trang trại, nhiều nông hộ đã mạnh dạn ứng dựng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Điều thiết thực nhất chính là nhà nông thời công nghệ 4.0 đã có những bước chuyển mình khi việc 'số hóa' giúp giảm công lao động, chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp đầu ra được thuận lợi hơn.

Nhiều hộ chăn nuôi ở xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) đã đưa công nghệ số vào các khâu như: cung cấp thức ăn và nước uống tự động, hệ thống nước làm mát tự động, camera giám sát 24/7...
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Thái Nguyên hiện có trên 1.250 trang trại chăn nuôi, trong đó hầu hết các trang trại đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quản lý.
Đơn cử như trang trại chăn nuôi gia cầm và ấp trứng của ông Nguyễn Văn Đường, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Được hình thành từ năm 2002, trang trại có diện tích 20.000m2, hiện nuôi 20 nghìn con gà đẻ trứng (giống gà đông tảo lai), quy mô 13 lò ấp nở gia cầm, cung cấp ra thị trường khoảng 20 vạn gà con/tháng, tạo việc làm cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đường cho hay: Trước đây, việc chăn nuôi và ấp nở thực hiện hoàn toàn thủ công, không chỉ tốn nhân lực, mà còn tốn thời gian, con giống nhiều khi không đảm bảo và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường do tỷ lệ trứng nở thấp, chỉ đạt khoảng 75%. Sau đó, tôi quyết định chuyển đổi từ lò ấp thủ công sang lò ấp giàn đảo tự động. Để đảm bảo nguồn trứng cho những lò ấp tự động, tôi liên kết hợp tác với những hộ nông dân khác trong vùng, từ việc hướng dẫn kỹ thuật đến đầu tư nguồn giống chất lượng, thuốc thú y và thực hiện thu mua toàn bộ số trứng có được từ các trang trại liên kết, đạt kết quả rất tốt.
"Thừa thắng xông lên", ông Đường tiếp tục ứng dụng công nghệ vào các công đoạn, như: cung cấp thức ăn và nước uống tự động, hệ thống nước làm mát tự động, camera giám sát 24/7, hệ thống lò ấp do chính ông và các kỹ sư Việt Nam thiết kế.
Ông Đường cho biết thêm: Việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã giúp tôi giảm từ 25 xuống còn 13 nhân công/tháng, tiết kiệm được 90 triệu/tháng; tỷ lệ ấp nở đã tăng từ 75% lên 99% (lợi nhuận được thêm 40-45 triệu đồng/tháng).
Ở lĩnh vực trồng trọt, việc số hóa trong khâu chăm sóc (giàn phun tưới tự động); bảo quản nông sản (nhà lạnh); thực hiện quy trình sản xuất an toàn… cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Trong đó, Hợp tác xã (HTX) trà an toàn Phú Đô (Phú Lương) là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất chè.
Anh Hoàng Văn Tuấn, 32 tuổi, Giám đốc HTX, nói: Từ năm 2023, chúng tôi đã ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử Facefarm vào sản xuất chè. Qua đó không chỉ giúp quản lý sản xuất, nâng cao năng suất lao động mà còn tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. HTX hiện có hơn 10ha chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi mạnh dạn chuyển đổi số trong sản xuất, giá bán chè đã đạt từ 200-300 nghìn đồng/kg; thu nhập của các thành viên HTX và người dân tăng khoảng 10-20%.

Nhiều hộ sản xuất chè đã ứng dụng công nghệ số vào việc điều khiển các thiết bị phục vụ sản xuất chè (máy sao, vò chè...).
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khẳng định đưa công nghệ số vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước mà còn giảm phụ thuộc vào thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tăng năng suất cây trồng.
Đáng nói, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (trồng rau, củ, quả, hoa… trong nhà kính, nhà lưới) còn giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Người nông dân có thể dễ dàng điều chỉnh các yếu tố môi trường như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt nhất.
Đồng hành với người dân
Số hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đường cho rằng, nhà nước cần đồng hành, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Ông Đường chia sẻ: Chúng tôi mong muốn Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi, trồng trọt và doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số. Đồng thời xây dựng các mô hình chuyển đổi số thành công để nông dân, doanh nghiệp có thể thăm quan, học hỏi và áp dụng; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng sử dụng công nghệ và quản lý dữ liệu cho nông dân; hỗ trợ kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là quan tâm xây dựng hệ thống thông tin về các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để người dân dễ dàng tiếp cận.

Từ việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nông dân Thái Nguyên đã tạo ra nhiều sản phẩm trà an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bày tỏ quan điểm về số hóa trong sản xuất nông nghiệp, anh Tuấn cho rằng, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tăng cường tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của chuyển đổi số để nâng cao nhận thức cho người dân. Nhất là khuyến khích nông dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao và mời nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm…
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm giải quyết một số khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin (tập trung đầu tư tại các xã miền núi, vùng cao, đảm bảo kết nối internet ổn định, chất lượng); thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào nông nghiệp; nâng cao hơn số hộ dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp… Đồng thời tổ chức kết nối nông dân với chuyên gia nông nghiệp thông qua nền tảng số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích, đánh giá, khai phá nền tảng dữ liệu ngành Nông nghiệp phục vụ công tác, dự báo trong sản xuất nông nghiệp…