Chuyện những người đón Tết muộn

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã qua, trong khi đa số người đã trở lại với guồng quay công việc của năm mới thì với một số ít người, giờ mới là lúc họ tìm về bên gia đình sau khoảng thời gian làm xuyên Tết để có thêm thu nhập.

 Chị Nguyễn Thị Điểm chờ xe để về quê ăn Tết muộn

Chị Nguyễn Thị Điểm chờ xe để về quê ăn Tết muộn

"Ngược dòng" về quê ăn Tết muộn

Những ngày này, tại các bến xe khách, ga tàu trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như những ngày cận Tết. Ngồi chờ lên xe về quê, chị Nguyễn Thị Điểm (26 tuổi, quê Nam Định, nhân viên phục vụ của một nhà hàng ăn uống tại Hà Nội) tay nắm chặt túi quà, gọi điện thoại cho mẹ đẻ để báo tin chuẩn bị về nhà. Ở nhà, mẹ chị Điểm cũng đã chuẩn bị thịt gà và luộc lại vài chiếc bánh chưng để dành cho con gái từ Tết.

Chị Điểm cho biết, suốt những ngày Tết vừa qua, chị bận rộn với công việc. "Tết là lúc quán đông khách nhất. Ai cũng muốn nghỉ nhưng nếu nghỉ thì không có tiền, hơn nữa, nhà hàng lại rất cần người dịp này. Nếu mình nghỉ thì sau Tết, họ sẽ không nhận đi làm nữa, bất đắc dĩ tôi mới phải ở lại.

Suốt mấy ngày Tết, ngày nào tôi cũng gọi điện về nhà cho vơi nỗi nhớ gia đình. Giờ về nhà, việc đầu tiên là tôi sẽ ôm thật lâu con trai vào lòng. Đã hơn 2 tháng rồi tôi chưa về với con", vừa nói chị Điểm vừa rơm rớm nước mắt khi nhìn vào màn hình điện thoại có ảnh cậu con trai 3 tuổi đang mặc bộ quần áo vừa được ông bà ngoại mua cho.

Chị Điểm tâm sự, trước đây, chồng chị làm nghề sơn, còn chị ở nhà chăm sóc con và nội trợ. Cuối năm 2023, trên đường đi làm về, chồng chị gặp tai nạn giao thông và qua đời. Từ đó, cuộc sống gia đình rất khó khăn, bố mẹ chồng cũng mất từ lâu nên chị đưa con nhỏ về nhà bố mẹ đẻ nhờ chăm sóc để chị lên Hà Nội làm việc.

Năm nay, chị dự định tiếp tục làm việc ở Hà Nội, nhưng sẽ tìm một công việc khác, không phải làm xuyên Tết, để dịp Tết được về với bố mẹ và con trai. "Làm việc ngày Tết tiền công cao hơn thật nhưng cũng chẳng thích bằng được sum vầy cùng gia đình", chị Điểm nói.

"Khi nào gia đình được sum vầy thì ngày đó là Tết"

Ngồi cách chị Điểm vài người là anh Bùi Văn Hưởng (34 tuổi, quê Thanh Hóa), một tài xế xe ôm công nghệ. Sau chuỗi ngày chạy xe xuyên Tết, anh Hưởng cũng được về quê sum họp cùng gia đình.

Anh Bùi Văn Hưởng mang theo những túi quà Tết về với gia đình

Anh Bùi Văn Hưởng mang theo những túi quà Tết về với gia đình

Tay trái xách túi quà, trong đó có vài hộp bánh, mấy gói kẹo và một gói café, tay phải xách túi đồ chơi cho con. "Túi bên này là đồ lễ để về thắp hương gia tiên, còn túi bên này mua về cho các con", vừa giơ 2 túi quà lên, anh Hưởng vừa khoe anh mua hết gần 1 triệu đồng.

Dù chuyến xe từ Hà Nội về Thanh Hóa 15h mới xuất phát từ bến nhưng anh Hưởng đã đến trước giờ chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ. Anh Hưởng cưới vợ từ năm 2019, hiện tại có 3 người con, trong đó, con trai út mới được 4 tháng tuổi.

Trước đây, anh làm thợ phụ hồ ở quê, nhưng do công việc nặng nhọc mà tiền kiếm lại chẳng được bao nhiêu nên từ năm 2022, anh theo bạn bè ra Hà Nội chạy xe ôm công nghệ, mỗi năm chỉ về quê vài lần.

Dù xa gia đình nhưng bù lại, anh có thu nhập tốt hơn, đảm bảo được cuộc sống cho cả nhà. Mỗi tháng trung bình thu nhập của anh Hưởng được khoảng 16 triệu đồng.

"Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp tôi về quê đón Tết muộn rồi. Cũng muốn về quê từ sớm như mọi người nhưng do hoàn cảnh khó khăn, tôi cố ở lại chạy thêm vài ngày Tết. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, với tôi, cứ khi nào gia đình được sum vầy thì ngày đó là Tết.

Trước Tết khoảng 3 tuần, tôi về quê chơi vài ngày, đến lúc chuẩn bị ra Hà Nội, đang xỏ đôi giày thì con gái 4 tuổi chạy ra ôm sau lưng tôi rồi nói: Tết bố về, bố mua cho con váy đỏ với đôi dép có quai nhé, sắp Tết rồi mà con chẳng có gì cả. Cậu con trai 5 tuổi thấy vậy cũng chạy ra ôm bố rồi bảo con không cần mua gì đâu, bố ở nhà chơi với con đi.

Thật sự, lúc đó tôi rất xúc động nhưng tôi không thể nghỉ thêm được nữa, đành phải gác lại thương nhớ để lên đường đi làm. Mỗi tháng, gia đình tôi chi tiêu hết cả chục triệu đồng, giờ mà mình không đi làm thì mẹ, vợ và các con tôi sẽ khổ. Cũng may là các cháu đều khỏe mạnh, không hay bị ốm vặt nên cũng đỡ…", anh Hưởng tâm sự.

Anh Hưởng cho hay, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, anh chạy xe mỗi ngày 16 tiếng, kiếm được khoảng 15 triệu đồng (bao gồm cả tiền được khách hàng lì xì). Số tiền này anh dự định sẽ mang về đưa vợ 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Phần còn lại anh để dành đóng tiền nhà trọ.

"Về muộn cũng được, miễn là anh về"

Anh Nguyễn Văn Định (36 tuổi, quê ở Phú Thọ) làm bảo vệ một tòa chung cư tại quận Long Biên (TP Hà Nội). Do năm nay lịch trực Tết của anh gần nhau nên anh đã đổi lịch cùng đồng nghiệp khác để có kỳ nghỉ Tết dài ngày hơn. Anh Định trực bảo vệ từ Mùng 1 đến hết Mùng 4 Tết, sau Tết mới về quê.

Anh Nguyễn Văn Định hiện đã trở lại Hà Nội làm việc sau những ngày về quê đón Tết muộn cùng gia đình

Anh Nguyễn Văn Định hiện đã trở lại Hà Nội làm việc sau những ngày về quê đón Tết muộn cùng gia đình

Hành trang về quê của anh Định có vài gói mứt Tết, một túi quần áo mới cho các con và một ít tiền mặt. Vừa mở cổng nhà, mẹ và vợ cùng 3 đứa con nhỏ của anh đã đứng sẵn ngoài sân để chờ đón. Vợ anh vừa nắm chặt tay anh vừa nói: "Về muộn cũng được, miễn là anh về". Mấy đứa trẻ chạy ùa ra ôm chầm lấy bố.

Bữa cơm đầu tiên của anh Định cùng gia đình tuy không thịnh soạn nhưng vẫn có bánh chưng, có dưa hành và đầy ắp tiếng cười. Với anh Định, Tết không chỉ là ngày mùng 1. Tết là khi được nghỉ ngơi, được gặp người thân, dù muộn cũng chẳng sao.

"Năm nay là năm ăn Tết xa nhà đầu tiên của tôi, đêm giao thừa, tôi nằm xem camera, thấy bố mẹ, vợ và các con ngồi chờ xem pháo hoa mà thấy nhớ vô cùng", anh Định tâm sự.

Với những người đón Tết muộn, mùa xuân đến chậm hơn nhưng không bao giờ là quá muộn. Vì với họ, Tết không tính bằng ngày tháng mà tính bằng sự sum vầy, bằng những cái ôm, những cái nắm tay thật chặt sau nhiều ngày xa cách.

Dù đón Tết muộn nhưng khi chuyến xe dừng bánh, khi thấy người thân chờ đón mình trước cổng, khi con trẻ vẫn háo hức đòi lì xì…, họ hiểu rằng, chỉ cần có gia đình thì ngày nào cũng có thể là Tết.

Văn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-nhung-nguoi-don-tet-muon-20250214113204653.htm
Zalo