Có thể tiêm vaccine cúm sau khi tiêm vaccine phế cầu hay không, hiệu quả ra sao?
![Bố chồng em năm nay 70 tuổi, bị bệnh nền (huyết áp, tiểu đường) và có uống thuốc hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Tuần trước, em mới đưa ông tiêm vaccine phế cầu. Vậy giờ em có thể cho ông tiêm thêm vaccine cúm được không vì em lo ngại dịch cúm đang bùng phát ạ?](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_423_51480148/a16be63bd4753d2b6464.jpg)
Bố chồng em năm nay 70 tuổi, bị bệnh nền (huyết áp, tiểu đường) và có uống thuốc hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Tuần trước, em mới đưa ông tiêm vaccine phế cầu. Vậy giờ em có thể cho ông tiêm thêm vaccine cúm được không vì em lo ngại dịch cúm đang bùng phát ạ?
(Chị Mỹ Hoàn, ngụ huyện Trảng Bom)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn!
Đúng là trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng, việc tiêm vaccine là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt đối với người cao tuổi và người có bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, ung thư...
Với trường hợp của bố chồng bạn, việc tiêm vaccine cúm là hoàn toàn khả thi và khuyến khích, kể cả khi ông đã tiêm vaccine phế cầu. Hai loại vaccine này không tương tác với nhau, nên bạn có thể cho ông tiêm vaccine cúm sau ít nhất 2 tuần từ khi tiêm vaccine phế cầu. Điều này giúp cơ thể có thời gian phản ứng và tạo kháng thể cho cả hai loại vaccine.
Vaccine cúm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc cúm và hạn chế các biến chứng nặng như viêm phổi, đặc biệt là với những người có bệnh nền. Thời điểm tiêm vaccine cúm lý tưởng nhất là vào đầu mùa thu hoặc đầu mùa đông, nhưng vẫn có thể tiêm trong suốt mùa cúm nếu chưa tiêm.
Ngoài việc tiêm vaccine, bạn cũng nên khuyến khích bố chồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
ThS-BS Phạm Thị Tám,
Bác sĩ nội, Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_423_51480148/f1d4bb8489ca609439db.jpg)