Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục làm nhà ở xã hội
Chiều 27/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất của Chính phủ với dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý; thống nhất phương án tiếp thu, chỉnh lý các điều 8, 9, 10, 11 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không quy định về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất mà thay thế bằng quy định cho phép chủ đầu tư được tính vào chi phí đầu tư dự án.
UBTVQH nhất trí hoàn thiện các nội dung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tăng cường hỗ trợ chính sách nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính; thống nhất về mô hình hoạt động, nguồn vốn, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia theo hướng đây là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương với nhiệm vụ chính là tập trung hình thành quỹ nhà để cho thuê.

Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh VNN.
Các đại biểu lưu ý bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định về phòng ngừa sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, chính sách bảo đảm chất lượng công trình; bố trí cân đối nguồn vốn và hướng dẫn các địa phương bố trí vốn để phát triển nhà xã hội theo quy định của Nghị quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, nếu Quốc hội không họp thì báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
UBTVQH cũng yêu cầu bổ sung quy định về chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và đề xuất của chủ đầu tư, quyết định phương án xử lý quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc có văn bản pháp lý tương đương để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn; cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho địa phương; bảo đảm việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Để các cơ chế, chính sách của Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian xử lý các công việc, thủ tục liên quan; bố trí nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai, vừa bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội cho người dân, vừa bảo đảm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, chính sách.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính để việc cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Về chất lượng công trình, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ giải pháp kiểm soát, đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội, bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành; tránh việc nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu theo quy định. "Ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình, Bộ Xây dựng hay Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố? Vấn đề này phải làm rõ, không để tình trạng khi xảy ra vấn đề gì thì đổ thừa là luật quy định chưa rõ, không ai chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Doanh nghiệp mong giảm thiểu thủ tục đầu tư làm NOXH
Liên quan đến nhà ở xã hội (NOXH), các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn gặp phải khi làm phân khúc này tại Hội thảo “Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều 27/5.
Ông Vũ Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Taseco Land cho rằng, có thể thấy rõ Nhà nước đang xây dựng chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để những người yếu thế, thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở, có điều kiện sinh sống tốt hơn.
Dự thảo Nghị quyết về đầu tư phát triển NOXH có nhiều điểm mới, rút ngắn được thủ tục đầu tư. Giai đoạn triển khai đầu tư liên quan đến nhiều bộ, ban ngành, địa phương và các sở (Sở xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường). Nghị quyết đã giảm nhiều thủ tục hành chính. Chúng tôi mong khi Nghị quyết được thông qua, các cơ quan nên giảm các giấy tờ liên quan, nhanh chóng cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Còn ông Vũ Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viconship cho rằng, tiến trình thủ tục là điều mà các doanh nghiệp quan tâm và ảnh hưởng tiến độ dự án. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH nêu một số điểm cải thiện được, đặc biệt khâu chỉ định thầu cho một số chủ đầu tư triển khai NOXH.
Việc định giá giao chủ đầu tư theo nguyên tắc thống nhất trên cơ sở có kiểm toán giá thành, tôi nghĩ hoàn toàn có thể giao việc này cho chủ đầu tư, đây là điều là thuận lợi cho thị trường bất động sản NOXH. Ở bước rút ngắn lập thẩm định phê duyệt dự án, đó là điểm mà hầu hết chủ đầu tư bất động sản mong đợi.
Về đối tượng mua NOXH, lãnh đạoViconship cho rằng nên xem xét cởi mở hơn với thêm một vài đối tượng. Tại một số địa phương, việc xác định đối tượng có nguồn thu nhập thấp mua NOXH không đồng nhất. Mặt khác, với thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện mua, trong khi phải chi khoảng 7 - 8 triệu/tháng để trả nợ gốc vay một căn NOXH, các gia đình thu nhập thấp chỉ còn 7 triệu đồng còn lại để chi trả sinh hoạt cuộc sống. Đó cũng là vấn đề cần xem xét.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh DNVN.
Cũng tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, mô hình Quỹ nhà ở trên thế giới có 5 đặc điểm chính như: Chính phủ phải đóng vai trò tạo lập và quản lý Quỹ, giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ vận hành; dẫn dắt, định hướng, quy định cách thức hoạt động của Quỹ; Vai trò của Quỹ là hỗ trợ nguồn lực tài chính; Nguồn vốn hoạt động đến từ 2 nguồn chính: vốn ngân sách Nhà nước với vai trò là "vốn mồi", là nguồn vốn ban đầu; từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động của Quỹ; Loại hình nhà ở được hỗ trợ là NOXH và nhà ở thương mại giá phải chăng (nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định). Xét theo mục đích sử dụng, Quỹ tài trợ cho cả nhà ở để bán và nhà ở cho thuê;
Ý cuối cùng đối tượng được hỗ trợ. Về phía cung, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở (NOXH, nhà ở thương mại giá phải chăng), gồm cả các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và doanh nghiệp tư nhân; về phía cầu, hỗ trợ người dân có nhu cầu mua/thuê NOXH, nhà ở giá phải chăng (tập trung vào người yếu thế trong xã hội (thu nhập thấp...); người trẻ tuổi (mới tốt nghiệp, dưới 35 tuổi, độc thân, vợ chồng mới kết hôn...); người chưa có nhà ở...
Ông Lực cho rằng, Việt Nam chưa có Quỹ chuyên biệt để hỗ trợ phát triển nhà ở cấp Quốc gia. Ở cấp địa phương, theo Bộ Xây dựng, một số quỹ đầu tư phát triển địa phương có triển khai đầu tư xây dựng, cho vay phát triển NOXH như: Quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh và có 4 Quỹ có hoạt động đầu tư trực tiếp NOXH (Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đăk Lăk), nhưng còn gặp nhiều khó khăn do không được bổ sung vốn.
Các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở mới dừng lại ở mức “chương trình”, triển khai trong một khoảng thời gian nhất định, thiếu tính liên tục, thiếu bền vững. Dù vậy, kết quả của các chương trình hỗ trợ còn hạn chế: tổng số tiền giải ngân của gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay NOXH đến hết quý I/2025 mới chỉ đạt 3.400 tỷ đồng, tương đương 2,3% quy mô gói; kết quả thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030: hết quý I/2025, mới đạt 6,2% kế hoạch.
Thiếu Quỹ chuyên biệt cũng là một nguyên nhân khiến nguồn cung NOXH còn rất hạn chế (ngoài những nguyên nhân như quy trình, thủ tục, giá nhà ở tăng cao…). Do vậy, Nhà nước cần khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước trong mọi hoạt động của Quỹ như tạo lập nguồn vốn, định hướng hoạt động, quản lý Quỹ…