Ngầm hóa lưới điện ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Nỗ lực đưa cáp điện vào lòng đất
TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước đã và đang không ngừng đổi mới để trở thành đô thị hiện đại, văn minh. Trong quá trình phát triển đó, dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp mạng cáp viễn thông là một trong những công trình có dấu ấn đặc biệt quan trọng.
TTXVN xin giới thiệu 2 bài viết hành trình 20 năm ngầm hóa lưới điện kiến tạo đô thị hiện đại đã góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện an toàn, hiện đại hóa lưới điện, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển bền vững và không gian đô thị văn minh, hiện đại trong thời gian tới.

Một đoạn đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã hoàn thiện ngầm hóa lưới điện chờ đấu nối. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ-TTXVN
Bài 1: Nỗ lực đưa cáp điện vào lòng đất
Từ những bước đi đầu tiên đầy khó khăn cách đây đúng 20 năm đã mang đến những kết quả ấn tượng khi hàng trăm km lưới điện ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đã được ngầm hóa. Công trình ngầm hóa đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh.
Tháo gỡ “mạng nhện”
Những năm cuối thập niên 90, TP Hồ Chí Minh đối diện với tình trạng hệ thống dây điện và cáp viễn thông chằng chịt, nhất là tại các quận trung tâm như Quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh.
Ông Quách Văn Bảo, người sinh sống lâu năm ở tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1 cho biết, tình trạng càng nặng nề hơn khi tuyến cáp truyền hình, mạng Internet phổ biến trong mọi gia đình; các loại dây cáp, dây điện chạy dọc khắp các tuyến đường, các con hẻm, kéo từ trụ điện này sang trụ điện khác, từ nhà này sang nhà khác, từ khu trung tâm thành phố ra đến các vùng ven.
“Nhà “mọc” lên đến đâu, các loại dây kéo đến đó, ngày càng chằng chịt, không chỉ làm xấu hơn, mà còn rất “chướng mắt” và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện như: chạm, cháy, nổ, mất điện cục bộ cùng các sự cố khó lường khác, nhất là trong mùa mưa bão...”, ông Bảo chia sẻ.
Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông. Đồng thời giao cho ngành điện thành phố tiến hành thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (thuộc khu vực trung tâm Thành phố - Quận 1).
Ông Bùi Hải Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, tại thời điểm đó, dự án là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đô thị; nâng cao chất lượng sống của người dân; hướng đến xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
“Dự án khởi công đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người người dân bởi lâu nay điện phải cách mặt đất, ở trên cao. Việc đào đường, lắp cống hộp, đưa dây điện, cáp viễn thông xuống lòng đất khiến ai cũng “tò mò” nên luôn tạo thuận lợi cho đơn vị thi công, nhất là những nhà xưa nay có cột điện hay mớ đây chằng chịt trước cửa nhà…”, ông Thành chia sẻ.
Đầu tiên đơn vị thi công ban ngày, nhưng do rào chắn gây khó khăn cho các phương tiện giao thông nên chuyển sang làm đêm. Công nhân ngành điện không chỉ có kềm, kéo, băng dính mà còn có cả máy cắt đường, cuốc, xẻng, bay, thước hồ. Họ không chỉ biết đấu nối, lắp các tủ điện mà còn biết làm cả đào đường, xây dựng, phụ hồ… để đưa từng khối bê tông xuống, tạo hệ thống mương máng kiên cố; luồn cáp vào ống nhựa xoắn trước khi đặt vào lòng đất, tái lập mặt đường theo đúng quy định…
Nhớ lại thời điểm đó, ông Trần Đức Linh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn cho biết, trong suốt quá trình thi công và công tác tái lập mặt đường luôn phải thực hiện vào ban đêm nên gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, nhiều tuyến đường vướng các công trình ngầm khác khiến anh em thi công càng thêm vất vả, tiến độ thi công càng chậm hơn.
"Tuy nhiên, với quyết tâm cao của toàn ngành, mỗi công nhân nỗ lực hoàn thành từng phần việc, đảm bảo tiến độ thi công để khi trời vừa hừng sáng hoàn tất công tác tái lập, trả lại mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông và không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân…”, ông Linh chia sẻ.
Ông Trần Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ Khu phố 5, Phường 11, quận Phú Nhuận cũng nhìn nhận, quá trình thi công làm đêm ảnh hưởng phần nào đến sự yên tĩnh, nghỉ ngơi của người dân, nhất là khi công nhân đào đường gây tiếng ồn. Song, ngoài công việc vất vả của người công nhân; ngầm hóa điện, cáp là chủ trương chung, là bước phát triển lớn của ngành điện thành phố, nhất là trong đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ; tạo cảnh quan đô thị nên hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ việc ngầm hóa điện và cáp viễn thông.
“Trước đây, hệ thống điện, hệ thống viễn thông như "mạng nhện" với đủ các loại dây cáp, dây điện giăng ngang dọc; nhiều trụ điện bị các loại dây cuốn quanh dày đặc, thậm chí, có nhiều búi dây sà xuống thấp, cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường, vừa kém an toàn vừa gây mất thẩm mỹ... Sau khi điện, cáp được ngầm hóa, đường phố trở nên thông thoáng, gọn gàng, sạch đẹp, an toàn chúng tôi mừng lắm. Tôi mong cả thành phố đều được đẹp như thế này…”, ông Hoàng chia sẻ.
Đồng bộ trong triển khai

Công nhân EVN HCMC tập huấn thi công trên lưới điện trung thế. Ảnh tư liệu
Theo EVNHCMC, trong giai đoạn đầu (2003-2005), ngành điện thành phố đã thi công ngầm hóa hơn 9,2 km lưới trung thế và 9,5 km lưới hạ thế. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin vẫn còn.
Năm 2010-2011, ngành điện thành phố phối hợp với các sở ban ngành và doanh nghiệp viễn thông tiếp tục thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định có tổng khối lượng công trình dài 9,23 km lưới trung thế, 46,57 km hạ thế… với mục tiêu vừa cải thiện hạ tầng vừa tạo hình ảnh đẹp cho khu vực trung tâm.
Theo ông Bùi Hải Thành, tiến độ tuy có nhanh hơn, song dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp mạng cáp viễn thông giai đoạn này vẫn gặp không ít khó khăn, công nghệ thi công còn hạn chế, chi phí đầu tư cao cùng với việc đào đường trong đô thị đông đúc làm ảnh hưởng lớn đến giao thông và tiến độ thi công...
Để khắc phục tình trạng này, năm 2014, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập “Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn trên địa bàn thành phố”. Trọng tâm của giai đoạn này là nâng cao khối lượng, đẩy nhanh tốc độ ngầm hóa; trong đó tập trung vào việc xây dựng các tuyến cáp ngầm trung thế và hạ thế, đồng thời phối hợp ngầm hóa cáp viễn thông để đảm bảo tính đồng bộ. “Với những kinh nghiệm tích lũy cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, kết quả đến cuối năm 2015, toàn thành phố đã hoàn thành ngầm hóa gần 400 km lưới điện trung thế và 500 km lưới điện hạ thế, chủ yếu ở khu vực Quận 1 và Quận 3, đánh dấu bước tiến quan trọng trong thực hiện dự án”, ông Thành chia sẻ.
Từ những thành công ban đầu, ngành điện thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, tăng tốc mạnh mẽ trong công tác ngầm hóa lưới điện, mở rộng phạm vi ra các quận nội thành khác như Quận 7, 5, 10 và một phần khu vực ngoại thành. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện thành phố đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của thi công; trong đó, việc sử dụng công nghệ khoan ngầm định hướng (HDD) đã giúp cải thiện quá trình đào đường, rút ngắn thời gian thi công.
Các dự án lớn như cải tạo phố đi bộ Nguyễn Huệ, chỉnh trang khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay các tuyến đường huyết mạch như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ đều được tích hợp ngầm hóa lưới điện. Sự phối hợp đồng bộ giữa ngành điện lực và các nhà mạng viễn thông từng bước được cải thiện, đảm bảo các tuyến cáp ngầm được bố trí khoa học, tránh chồng chéo…
Theo EVNHCMC, tính đến cuối năm 2020, ngành điện thành phố đã đưa xuống lòng đất hơn 1.000 km mạng lưới điện trung thế, 2.000 km lưới điện hạ thế và hơn 3.000 km cáp viễn thông. Những con đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là điển hình cho sự thành công của dự án, với cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp, an toàn, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành điện thành phố tiến sâu vào lòng đất.
TP Hồ Chí Minh dự kiến đến hết năm 2025 sẽ ngầm hóa hơn 1.500 km lưới điện trung thế, 2.500 km lưới điện hạ thế và gần 4.000 km cáp viễn thông. Hơn 70% lưới điện tại khu vực trung tâm thành phố sẽ được đưa xuống dưới lòng đất, mang lại diện mạo mới hoàn toàn cho đô thị hiện đại được xem là nhất, nhì cả nước.
Với ngành điện thành phố, bài học lớn trong thực hiện dự án đó là sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền, nhất là việc thành lập Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông; đó là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án. Đặc biệt, là việc ứng dụng công nghệ hiện đại và quản lý khoa học giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu tác động đến môi trường đô thị, sinh hoạt của người dân, giao thông trong khu vực, rút ngắn thời gian thi công và hơn hết đó là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân giúp dự án vượt qua các khó khăn tạm thời.