ĐBQH 'than' Luật quy hoạch sửa miết, sửa hoài mà vẫn vướng

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, dự thảo luật hướng tới chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống, sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông. Điều này rất cần một 'nhạc trưởng' có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch.

"Sửa miết, sửa hoài" mà vẫn vướng

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, dự thảo luật hướng tới chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống, sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông.

Mặc dù vậy, ông cho rằng, đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng có trường hợp chưa nắm bắt được tinh thần này. Vì thế, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch, nhưng hiện chưa có.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: Như Ý

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng lưu ý, phải bình tĩnh để tìm cho đúng nguyên nhân tại sao cứ "sửa miết, sửa hoài" như vậy mà vẫn vướng, để từ đó chỉnh sửa cho thực sự căn bản, như vậy mới giải quyết được vấn đề về bài toán quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị nên xem lại tính khả thi của Luật Quy hoạch, nhất là tới đây sáp nhập tỉnh, có địa phương sáp nhập 2 tỉnh, 3 tỉnh, không thể quy hoạch cộng gộp lại với nhau.

Nêu thực tế nhiều vướng mắc hiện nay, đại biểu đề nghị xem xét tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch một thời gian để đánh giá toàn diện và chỉnh sửa căn cơ hoặc chí ít cũng phải tạm dừng một số điều đang rất vướng.

"Trong thời gian ngắn nếu sửa cái nọ thì có thể phát sinh cái khác và sẽ không đánh giá hết tác động", ông Huân cho hay.

Tránh tình trạng xã chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhìn nhận, dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc hoàn thiện các cơ quan lập quy hoạch đối với 3 loại quy hoạch là: Quy hoạch tổng thể quốc gia thì trình Quốc hội, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ trình Chính phủ, nhưng chưa đề cập đến quy hoạch ngành quốc gia.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt. Ảnh: QH

Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý nội dung đồng bộ phù hợp trong quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định với các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt quyết định các quy hoạch này.

Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua có tình trạng địa phương xin ý kiến các bộ, ngành chủ quản liên quan về điều chỉnh quy hoạch cấp huyện nhưng để chuẩn bị trình HĐND tỉnh phải mất ít nhất 3 tháng mới thực hiện được.

Từ đó, bà Nguyệt đề nghị nghiên cứu theo hướng chỉnh lý lại quy định thành: Các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ gửi xin ý kiến, nếu quá thời hạn trên các cơ quan không trả lời thì xem như đồng ý.

Theo đại biểu, quy định này như lời cam kết giữa các cơ quan có trách nhiệm trong quá trình nhận hồ sơ và có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho các đơn vị, địa phương, tránh tình trạng xã chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương, gây lãng phí thời gian và nguồn lực cũng như cơ hội tiếp nhận các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dbqh-than-luat-quy-hoach-sua-miet-sua-hoai-ma-van-vuong-post1746204.tpo
Zalo