Chủ tịch tỉnh thẩm định quy hoạch sẽ mất tính khách quan
Sáng 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
lo ngại vừa đá bóng vừa thổi còi
Tham gia góp ý dự án Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật quy định: Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ tập thể, có thể lấy ý kiến phản biện độc lập nhưng không bắt buộc, chỉ trong trường hợp cần thiết.
Từ đó, bà bày tỏ lo ngại có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nếu cơ quan lập quy hoạch cũng kiểm soát quá trình thẩm định hoặc mời các thành viên “nội bộ”.
Do đó, đại biểu đoàn Bình Dương kiến nghị bổ sung cơ chế bắt buộc có phản biện độc lập đối với quy hoạch quan trọng như: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, dự thảo Luật đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, linh hoạt ở địa phương trong quá trình tổ chức thẩm định, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm có sự tham gia của các sở ngành liên quan và các chuyên gia, nhằm nâng cao tính khách quan và phản biện kỹ thuật.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn thiếu cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan của Hội đồng thẩm định bởi nếu Chủ tịch tỉnh là người phê duyệt quy hoạch cũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định sẽ làm suy giảm tính khách quan.
Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng Chủ tịch UBND tỉnh là người phê duyệt quy hoạch thì không làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, thay vào đó, UBND tỉnh cử một lãnh đạo khác hoặc mời lãnh đạo cơ quan chuyên môn làm Chủ tịch Hội đồng.
đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa ngay Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh/thành trên cả nước.

Theo ông Thắng, tại dự thảo Luật đã đẩy mạnh phân cấp phân quyền một cách tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm của các cấp các ngành, gắn với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Trong đó, phân quyền của Quốc hội cho Chính phủ phân vùng lập quy hoạch; quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phân cấp thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch ngành quốc gia cho các bộ và phân cấp UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh.
Dự thảo Luật cũng quy định việc thẩm định quy hoạch cấp tỉnh theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Có ý kiến của ĐBQH cho rằng, thay vì giao cho UBND tỉnh, đề nghị giao cho HĐND tỉnh. Bộ trưởng Thắng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu để nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền, dự thảo luật cũng tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc điều chỉnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 thông qua việc không phải lập thẩm định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và bãi bỏ quy hoạch về xin chủ trương lập quy hoạch.
Qua đó, sẽ giảm khoảng 45 - 54% trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch so với quy định hiện hành, đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện chính quyền địa phương hai cấp theo chỉ đạo của Trung ương.
Lý giải quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng vẫn cần đưa vào dự thảo Luật để điều chỉnh bởi thời gian qua, có đến 28 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành mâu thuẫn với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh dẫn đến những xung đột, cần phải tháo gỡ.
Việc đưa quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào dự thảo Luật để quy định nhằm đảm bảo tính thông suốt, sửa luật một cách tổng thể.
Đối với quy định lập đồng thời các quy hoạch và xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch tại dự thảo Luật, ông Thắng cho biết, sẽ giải quyết vướng mắc, xung đột giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với các quy hoạch cấp trên (như quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh) cũng như mâu thuẫn giữa các quy hoạch do các cơ quan tổ chức khác nhau lập.
Đối với ý kiến của đại biểu về việc tạm dừng sửa Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Thắng cho biết, không thể không sửa, bởi sẽ gây ra hỗn loạn trong quá trình triển khai sắp tới.
“Quy định nào chưa phù hợp, chúng ta phải cầu thị, phải điều chỉnh, xây dựng sao cho phù hợp. Một đất nước phải có luật, phải có quy hoạch”, ông Thắng nhấn mạnh.