ĐBQH: Tại sao Luật Quy hoạch sửa nhiều nhưng vẫn 'rối'?

Thảo luận tại hội trường, một số ĐBQH băn khoăn vì sao Luật Quy hoạch đã sửa nhiều nhưng vẫn 'rối'. Giải trình về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, sửa Luật để phù hợp với mô hình địa phương 2 cấp.

Cần mạnh dạn xem xét toàn diện Luật Quy hoạch

Sáng 28/5, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ khăn khoăn: Tại sao Luật Quy hoạch đã sửa nhiều nhưng vẫn "rối"?

Ông Hạ chỉ rõ, tinh thần của Luật Quy hoạch trước đây là chuyển đổi phương pháp lập quy hoạch, thay đổi căn bản việc lập quy hoạch như phân ngành cục bộ theo lĩnh vực, xác định quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể có liên kết với nhau. Đồng thời, khi triển khai quy hoạch theo tinh thần mới thì cần "nhạc trưởng" mới.

ĐBQH Tạ Văn Hạ cho ý kiến tại phiên thảo luận.

ĐBQH Tạ Văn Hạ cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Dự thảo Luật bổ sung thêm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch về việc cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có thể lập đồng thời. Tuy nhiên, ông Hạ lo ngại vấn đề chồng lấn xung đột giữa các quy hoạch khi triển khai song song các quy hoạch với nhau bởi sẽ thiếu thống nhất, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu…

"Chúng ta phải tìm cho đúng nguyên nhân chứ không phải sửa hoài mà vẫn "vướng". Tôi cho rằng, căn bản bây giờ chúng ta phải thật bình tĩnh, cân nhắc vấn đề này", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần mạnh dạn xem xét toàn diện Luật Quy hoạch hiện nay đang thực hiện thì tính khả thi tới đâu, nhất là các quy hoạch tỉnh khi sắp tới triển khai sáp nhập các tỉnh với nhau.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân phát biểu.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân phát biểu.

Ông Huân thẳng thắn chỉ rõ: "Chúng ta không thể cộng 2 quy hoạch với nhau để thành 1 quy hoạch được". Đồng thời, đại biểu lấy ví dụ: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương đã được phê duyệt quy hoạch, sắp tới sáp nhập 3 tỉnh thành này lại với nhau thì không thể áp dụng việc cộng dồn 3 quy hoạch lại thành 1 quy hoạch mới. Việc sáp nhập tỉnh để tạo không gian phát triển mới dẫn đến dữ liệu "đầu ra" của quy hoạch tỉnh trước đây không thể áp dụng.

"Nếu trong thời gian ngắn mà chúng ta sửa ngay một loạt điều thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác, cần đánh giá một cách khách quan. Chúng ta có thể tạm ngừng để xem xét lại những gì thực sự còn vướng, còn cản trở để Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được triển khai một cách nhanh gọn, đồng bộ", đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu.

Sửa đổi Luật để phù hợp với bộ máy mới

Phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới, Luật Quy hoạch sẽ được sửa đồng bộ và tổng thể. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là do yêu cầu về thay đổi chiến lược liên quan đến chủ trương định hướng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm, Kết luận 121 và Kết luận 127 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ.

"Từ 1/7 các địa phương sẽ hoạt động theo mô hình địa phương 2 cấp, tất cả việc triển khai các dự án sẽ vướng, do đó, dứt khoát phải gấp rút sửa đổi Luật lần này", ông Thắng nói và cho biết, lần sửa đổi này sẽ chỉ tập trung vào 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất, đảm bảo điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Theo đó, tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc là các quy hoạch đang được triển khai thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp ngành khi triển khai mô hình địa phương 2 cấp.

Ông Thắng nhấn mạnh thêm: "Nếu như quy định hiện hành của Luật Quy hoạch thì việc phân cấp rất khó khăn. Cái gì ở dưới địa phương thay đổi đều phải trình lên Chính phủ, Quốc hội. Do đó, sửa Luật lần này phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rất rõ ràng".

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên thực tiễn phải xử lý ngay để triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng ngay yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào các năm tiếp theo.

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-tai-sao-luat-quy-hoach-sua-nhieu-nhung-van-roi-169250528112032631.htm
Zalo