Dùng đất đồi san lấp dự án sao có gạch vỉa hè, rác thải, bê tông?
Những hình ảnh thực tế tại công trình và tài liệu cho thấy có cơ sở để nói rằng đất đắp tại dự án không được lấy từ mỏ đất theo hồ sơ thiết kế.
Khu vực sân khấu của gói thầu số 7 - toàn bộ phần xây lắp thuộc Dự án sân khấu ngoài trời kết hợp đường dạo dọc sông Hương ở khu vực sau lưng bia Quốc học, phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa (TP Huế), sau khi hoàn thành đắp đất, lu lèn thì đã rải cát lên bề mặt nền.
Vậy nhưng tư liệu của chúng tôi trong một thời gian dài ghi nhận vào hồi tháng 4, cho thấy tại công trình này có dấu hiệu sử dụng đất đắp có đặc điểm không giống như đất vùng gò đồi "nguyên bản" tại các mỏ vật liệu san lấp thường thấy.

Công trình hiện nay đã hoàn thành đắp nền, bên trên được phủ cát. Việc sử dụng cát tự nhiên để san nền liệu có đúng với chủ trương của Công văn số 4606/UBND-XD ngày 1-7-2017 của UBND TP Huế về triển khai thực hiện các nội dung liên quan sử dụng cát xây dựng và các giải pháp tăng cường sản xuất sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên?
Màu đất đen sì, không phải màu vàng đặc trưng được lấy trực tiếp tại từ mỏ. Xen lẫn là nhiều viên gạch vỉa hè, gạch xây nhà, bao rác, mảnh ván, khối bê tông đập ra từ các công trình xây dựng... Những vật liệu này chắc chắn không có tại mỏ cung cấp đất làm vật liệu san lấp ở địa bàn TP Huế.
Tại hiện trường, chúng tôi đã ghi nhận có ít nhất một đống những tấm bê tông vỡ vụn với nhiều kích cỡ khác nhau, như mới được đập bỏ, nằm ở giữa khu vực san nền.

Dù mặt nền đã phủ cát nhưng một số nơi vẫn lộ ra vật liệu "lạ", không giống đất đồi núi. Nhìn qua vẫn thấy có hàm lượng đất bùn, đất sét.
Dự án này do Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế trúng thầu thi công, giám sát là liên danh Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nhật – Công ty TNHH tư vấn xây dựng và thương Mai Phú An Hưng. Việc thi công được triển khai khoảng vào đầu năm 2025.
Hình ảnh ghi nhận đất san lấp ở dự án sân khấu nổi sông Hương. Hình ảnh ghi nhận vào tháng 4.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ là địa điểm vui chơi và là nơi tổ chức các sự kiện lớn của Huế
Theo thiết kế, tuyến đường dạo dọc bờ sông Hương có chiều dài 432 m, rộng 3 m. Kết cấu chính gồm kè tường chắn bê tông cốt thép cao 1,7 m; mặt sàn bằng bê tông cốt thép, dày 20cm, trên lát gỗ lim dày 50 mm, diện tích 1.298 m². Sân khấu hình bán nguyệt, kết cấu sàn bê tông cốt thép, dày 20 cm, trên lát gỗ lim dày 50mm, diện tích 430m². Khu vực khán đài sẽ đắp đất màu, trồng cỏ, hoa theo mùa, diện tích 3.000m². Làm bậc ngồi ghế đá nguyên khối dài 334 m.

Một đống đá xà bần được gom lại tại gói thầu dự án.
Mới đây, UBND quận Thuận Hóa đã có 2 công văn trả lời Báo Người Lao Động liên quan đến vật liệu san lấp của gói thầu trên. Trong đó khẳng định tại hồ sơ thiết kế và hồ sơ dự thầu, đất sử dụng đắp cho sân khấu là đất cấp phối lấy từ mỏ Trốc Voi 1, với khối lượng khoảng 1.800 m3.

Đất từ mỏ sao có những tảng bê tông vỡ vụn xen lẫn?
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, tại khu vực Trốc Voi 1 thuộc phường Thủy Phương và Thủy Châu, thị xã Hương Thủy hiện có 2 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp, gồm Công ty TNHH ĐT& XD 175 và Công ty TNHH An Bảo Minh.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, người đại diện các công ty này khẳng định họ không bán đất san lấp dù chỉ "một hột" cho Công ty CP xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế.

Vậy, đất san lấp ở công trình này được đơn vị thi công lấy từ đâu? Có đạt chất lượng đầu vào hay không?
Trong văn bản trả lời, ông Nguyễn Đình Bách, quyền Chủ tịch UBND quận Thuận Hóa, khẳng định vào ngày 25-3, công trình sân khấu ngoài trời tổ chức sự kiện Khai mạc năm Du lịch Quốc Gia - Huế 2025. Tại thời điểm này, dự án đang thi công dở dang, để đảm bảo điều kiện có một khán đài với sức chứa gần 6.000 người, Công ty CP xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế có đổ khoảng 30 m3 giá hạ, đồng thời phủ 15 cm bột đá cho sạch để tăng tính ổn định, bảo đảm an toàn cho khu vực này.
Sự việc này có nhật ký công trình và 2 biên bản xác nhận khối lượng khối lượng giữa nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát. Sau khi tổ chức xong sự kiện, các đơn vị đã bốc dỡ phần giá hạ ra khỏi khu vực này và cho tiến hành đắp đất cấp phối và cát theo đúng hồ sơ thiết kế, bảo đảm đúng quy định.
Lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa khẳng định chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn quản lý dự án, đơn vị giám sát, đơn vị thi công luôn giám sát chặt chẽ vật liệu đầu vào, thi công theo đúng thiết kế đã phê duyệt, bảm đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật vì đây là một dự án trọng điểm của UBND quận Thuận Hóa.
Chắc chắn với khối lượng 30 m3 đổ tạm đã được xúc đi thì "vết tích" giá hạ không còn ở công trình này nữa. Nhưng với những hình ảnh ghi nhận tại hiện trường thì cho thấy trong đất san lấp ở đây vẫn lẫn lộn những vật liệu "lạ". Vậy, đất ở đây được lấy từ đâu? Có đảm bảo chất lượng như khẳng định của UBND quận Thuận Hóa hay không?
Một số hình ảnh ghi nhận vào tháng 4, khi công trình này đang tiến hành san gạt mặt nền:

Đất lẫn lộn với những tạp chất.

Một đống đất đổ vào dự án để san lấp lẫn lộn nhiều tảng đá là những khối bê tông vỡ vụn. Và tất nhiên đất lấy ở mỏ đá thì sẽ không có loại bê tông như vậy.

Khu vực mép đầu tiên của khán đài, nền đất lộ ra nhiều dải hạ.

Đất sử dụng san lấp ở đất trông khá bẩn vì lẫn lộn nhiều rác.

Một đống bê tông vỡ vụn ở góc trái khu vực khán đài.

UBND quận Thuận Hóa khẳng định 30 m3 giá hạ, sau đó đã cào bóc đi hết. Vậy nhưng sao đất san lấp ở đây có màu sắc "lạ" so với đất san lấp từ vùng gò đồi?

Đại diện các mỏ đất ở Trốc Voi 1 khẳng định họ không bán một "hột" đất nào cho đơn vị thi công dự án này.

Đất lấy từ mỏ sao lại có những viên gạch đá từng sử dụng?

Một công nhân phải lượm nhặt đá, gỗ tạp lẫn lộn trong đất.