Chiến tranh thương mại là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư
Theo Bộ Công thương, nếu có chiến lược phù hợp, Việt Nam không chỉ tận dụng được làn sóng FDI mới mà còn có thể vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm phụ thuộc vào các ngành sản xuất giá trị thấp và từng bước tiến tới một nền kinh tế công nghệ cao, xanh và bền vững hơn.
![Lắp ráp linh kiện điện tử tại Việt Nam. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_17_51479349/7aea209b12d5fb8ba2c4.jpg)
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Chiều 14-2, đại diện Bộ Công thương đã cung cấp báo cáo về tình hình kinh tế và thương mại tháng 1-2025, trong đó nhận định bối cảnh quốc tế đang có nhiều yếu tố tác động đến kinh tế và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công thương đưa ra nhận định năm 2025 sẽ là thời điểm quan trọng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục gia tăng, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tìm kiếm những thị trường đầu tư mới đang trở nên rõ nét hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh và những nỗ lực cải cách chính sách.
Theo báo cáo, dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ.
Nguyên nhân chủ yếu là do gia tăng chính sách bảo hộ thương mại từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU, cũng như những rủi ro kinh tế nội tại của Trung Quốc, như khủng hoảng bất động sản.
Các doanh nghiệp quốc tế đang tìm kiếm những địa điểm đầu tư có chi phí cạnh tranh, thị trường nội địa phát triển nhanh và chính sách hỗ trợ thuận lợi.
Đáng chú ý, không chỉ số lượng FDI có xu hướng tăng lên mà còn có sự thay đổi về chất. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ưu tiên các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, fintech và công nghệ sinh học. Các lĩnh vực xanh và bền vững, bao gồm năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và công nghệ giảm phát thải carbon cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển, thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động như trước đây.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có những bước đi nhằm tận dụng cơ hội này. Báo cáo của Bộ Công thương nhấn mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình số hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn.
Đồng thời, việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác, đặc biệt là Indonesia và Ấn Độ. Cả hai nước này đều có những lợi thế riêng, từ quy mô thị trường lớn đến các chính sách hấp dẫn về thuế và hỗ trợ doanh nghiệp.
Do đó, để thu hút dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc tận dụng tốt làn sóng FDI mới không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn tạo ra sự chuyển đổi quan trọng trong mô hình phát triển, giúp đất nước tiến gần hơn đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.