Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phân công 3 Bộ soạn thảo 4 dự án luật, theo đó Bộ Công Thương được phân công chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
![Bộ Công Thương được phân công chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_503_51481828/476e69895ac7b399ead6.jpg)
Bộ Công Thương được phân công chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 14/2/2025 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Cụ thể, Phó Thủ tướng phân công Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trình Chính phủ trong tháng 2/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo dự án Luật Năng lượng nguyên tử; trình Chính phủ trong tháng 2/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025.
Bộ Công an chủ trì soạn thảo 2 dự án: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, trình Chính phủ trong tháng 5/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; trong quá trình xây dựng các dự án luật, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công theo Quyết định này và chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của dự án luật.
Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 02/2025) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời, đúng tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện theo quy định.
Ngày 17/12/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 240/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024 bao gồm kết luận về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiên cứu, rà soát Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện các chính sách để có giải pháp chính sách mới khả thi, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tạo động lực và xung lực mới cho việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương đang tập trung đánh giá, đề xuất sửa đổi 04 nhóm chính sách của Luật:
Thứ nhất, chính sách về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Mục tiêu của chính sách: Tăng số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng quản lý bắt buộc đối với nhóm đối tượng sử dụng nhiều năng lượng;
Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách và quản lý hoạt động tiết kiệm năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải.
Giải pháp thực hiện chính sách: Giao Chính phủ điều chỉnh việc xác định mức sử dụng năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tiết kiệm năng lượng của đất nước.
Xem xét điều chỉnh tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương và việc xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; theo dõi, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của địa phương, kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bổ sung trách nhiệm quản lý hoạt động dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm vật liệu xây dựng, giao Chính phủ quy định trong tổ chức, triển khai, thực hiện, tăng cường phân cấp cho địa phương trong hoạt động kiểm tra giám sát.
Thứ hai, chính sách về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Mục tiêu của chính sách: Bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện và khuyến khích các bên tham gia thị trường năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn.
Cải thiện chất lượng đào tạo đội ngũ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và nâng cao được năng lực chuyên môn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Giải pháp thực hiện chính sách: Giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để hình thành hệ thống các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng.
Bổ sung thêm nội dung quy định cụ thể về thời hạn của chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng và chứng chỉ quản lý năng lượng.
Giao Chính phủ quy định điều kiện về điều kiện kinh doanh ngành nghề kiểm toán năng lượng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Mục tiêu của chính sách: Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả công cụ Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa.
Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, hình thành thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng minh bạch tại Việt Nam.
Giải pháp thực hiện chính sách: Bổ sung quy định thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ Việt Nam theo hướng xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước, hạn chế sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Thứ tư, chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng
Mục tiêu của chính sách: Xây dựng, bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Giải quyết các thiếu sót, vướng mắc về chính sách về quản lý hiệu suất năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng và dán nhãn năng lượng thuộc lĩnh vực xây dựng.
Giải pháp thực hiện chính sách: Bổ sung làm rõ đối tượng dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng.
Bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tăng cường việc kiểm tra sau dán nhãn (hậu kiểm).