Đột phá nhờ chính sách cơ giới hóa nông nghiệp
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND (ngày 4-7-2023) của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, đặc biệt là chính sách cơ giới hóa, nông nghiệp Hà Nội có bước đột phá rõ rệt, năng suất tăng, chi phí và tổn thất sau thu hoạch giảm. Cơ giới hóa còn góp phần giải phóng sức lao động, từng bước hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, bền vững...
![Áp dụng mạ khay - cấy máy trong sản xuất vụ xuân tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51481973/88e5da0ee940001e5951.jpg)
Áp dụng mạ khay - cấy máy trong sản xuất vụ xuân tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang
Tỷ lệ cấy máy tăng 15%/năm
Phú Xuyên đang là huyện đi đầu thành phố Hà Nội về triển khai chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp: Diện tích mạ khay - cấy máy của Phú Xuyên đạt hơn 1.200ha mỗi vụ (chiếm 16-18% diện tích cấy lúa); một số địa phương của huyện đạt 80-90% diện tích mạ khay - cấy máy trong sản xuất… Giám đốc Hợp tác xã Phú Phong (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) Lê Xuân Túc cho biết, vụ xuân năm 2025, đơn vị gieo cấy 350 mẫu lúa, toàn bộ diện tích được cơ giới hóa toàn phần (làm đất, cấy máy...). Chỉ sau 2-3 ngày ra quân, hợp tác xã đã hoàn thành gieo cấy trước khung thời vụ. Nam Phong là một trong những xã có tỷ lệ cấy máy cao của Phú Xuyên, đạt 90-100% diện tích mỗi vụ, năng suất trên 60 tạ/ha/vụ…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, tính đến hết năm 2024, tổng số máy cấy hỗ trợ các tổ chức trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND là 48 máy, kinh phí 8.503 triệu đồng. Việc hỗ trợ được thực hiện tại các huyện, thị xã: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã đã triển khai hỗ trợ cấy máy 3.054ha với kinh phí 5.766 triệu đồng. Đối với hỗ trợ kinh phí phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, UBND các huyện, thị xã đã triển khai hỗ trợ 2.371ha, kinh phí 610 triệu đồng.
Nhờ cơ giới hóa nông nghiệp, tỷ lệ cấy máy toàn thành phố tăng trung bình 15%/năm, một số huyện có tỷ lệ tăng cao như: Mỹ Đức 19%, Phú Xuyên 10%, Mê Linh 8%. Chính sách khuyến khích cơ giới hóa sản xuất mạ khay - cấy máy là bước tiến tích cực về chuyển giao kỹ thuật mới trong nông nghiệp, giúp nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, giải phóng sức lao động, tạo điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, giảm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao...
“Qua kiểm tra thực tế triển khai trên địa bàn thành phố, chi phí cấy lúa bằng máy là 330.000-360.000 đồng/sào; trong khi đó, với cấy thủ công, chi phí là 400.000-500.000 đồng/sào. Máy cấy đạt công suất 1,5-2,5ha/ngày, gấp 30-50 lần so với cấy thủ công. Năng suất thực tế tại các điểm cấy máy năm 2024 cao hơn 8-10%, hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp truyền thống…”, bà Vũ Thị Hương thông tin.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, việc cơ giới hóa nông nghiệp còn một số khó khăn. 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND nên người dân chưa dễ dàng tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ phương thức sản xuất mới (cấy máy, phun thuốc bằng máy bay không người lái...). Mặc dù công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm, triển khai từ cấp thành phố đến cấp huyện, song hiệu quả chưa cao; nhiều tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ cơ chế, chính sách mới để đăng ký hỗ trợ. Việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách về sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã còn hạn chế hoặc chưa triển khai...
Để chính sách đạt hiệu quả như mong muốn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, các địa phương cần nhân rộng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, tăng tỷ lệ mạ khay - cấy máy, tăng sử dụng thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái… Với Mỹ Đức, huyện tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân áp dụng mạ khay - cấy máy trong sản xuất lúa; đẩy mạnh liên kết vùng miền, hợp tác xã trong cung ứng dịch vụ mạ khay - cấy máy nhằm bảo đảm khung thời vụ, phát huy tối đa công suất của máy từ khâu làm đất tới gieo cấy, thu hoạch...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng, triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất ngay từ vụ xuân 2025; đồng thời thẩm định, giải ngân cho hộ vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố để mua sắm thiết bị cơ giới. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các huyện, thị xã cần tích cực triển khai chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND; bố trí kinh phí tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Mặt khác, các địa phương cần làm tốt việc tích tụ đất đai để thuận lợi khi đưa cơ giới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp quy mô lớn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn:
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51481973/a152f4b9c7f72ea977e6.jpg)
Thực hiện Nghị quyết số 08/ 2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất đẩy mạnh tuyên truyền tới hợp tác xã, người dân đưa cơ giới vào sản xuất... Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, khâu thu hoạch trên địa bàn đạt 100% diện tích; tỷ lệ sử dụng động cơ để phun phòng trừ sâu bệnh dịch hại trên lúa, cây màu đạt 55% diện tích gieo trồng; tỷ lệ cấy máy đạt 20% diện tích gieo cấy.
Toàn huyện có 6 cơ sở sản xuất với 7 dây chuyền mạ khay (quy
mô 3.000 - 50.000 khay/vụ), gần 120.000 khay gieo mạ, 132 máy làm đất các loại. Huyện phối hợp với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông thành phố để mua máy móc; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng máy móc… Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 490ha; vùng sản xuất rau an toàn tập trung 145ha; vùng bưởi, cam tập trung 150ha; vùng hoa chất lượng cao 30ha; vùng sản xuất chè an toàn, hữu cơ 40ha…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám:
Tạo cú hích trong sản xuất nông nghiệp
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51481973/a196f87dcb33226d7b22.jpg)
Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội đã tạo cú hích về ứng dụng cơ giới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Mê Linh. Đến nay, huyện đã hỗ trợ người dân mua 8 máy cấy, hỗ trợ 3.428 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho các vùng sản xuất lúa, rau, hoa chuyên canh; hỗ trợ nông dân mua chế phẩm xử lý phụ phẩm cây trồng cho 776ha; mua chế phẩm xử lý môi trưởng thủy sản cho 33,37ha, kinh phí hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng.
Để chính sách đi vào đời sống, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, góp phần giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị canh tác. Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách cơ giới hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, người dân tiếp cận chính sách nhằm mở rộng diện tích mạ khay - máy cấy, sử dụng thiết bị công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy:
Cơ giới hóa giúp tăng năng suất và giảm chi phí
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51481973/7a5f25b416faffa4a6eb.jpg)
Thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, trung bình mỗi vụ sản xuất, Hợp tác xã có hơn 300ha lúa sử dụng mạ khay - máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Việc sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp Hợp tác xã liên kết với nông dân mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; sản xuất lúa giống cho các công ty giống và nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.
Để mở rộng diện tích mạ khay - máy cấy và sử dụng thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, rất mong các ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện để Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông thành phố; hỗ trợ các hợp tác xã giải quyết thủ tục hành chính để được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Quỳnh Dung ghi