Cần khoán chi mạnh hơn nữa cho khoa học và công nghệ
Sáng 15.2, thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), các đại biểu đề nghị khoán chi mạnh hơn nữa để các nhà khoa học có thể dành toàn bộ thời gian, tâm huyết tập trung nghiên cứu ra những sản phẩm thật sự ấn tượng.
Thí điểm 4 nhóm cơ chế, chính sách
Các đại biểu tán thành và cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
![Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn). Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483731/2217d8b0ebfe02a05bef.jpg)
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn). Ảnh: Quang Khánh
Tờ trình của Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gồm: tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chi tiêu tài chính; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số; thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia và phát triển hạ tầng số.
Ngoài những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, việc ban hành các chính sách thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cần dựa trên một số quan điểm chủ yếu như: Thể chế hóa những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; thể hiện sự vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành.
![ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483731/d4862a21196ff031a97e.jpg)
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, chưa có sự thống nhất giữa tên gọi của mục V của Tờ trình số 85 của Chính phủ về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản và nội dung của mục này. Trong nội dung chỉ đề cập đến các quy định trong dự thảo Nghị quyết không làm phát sinh các thủ tục hành chính mới. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung đánh giá làm rõ các quy định của dự thảo không chỉ không làm phát sinh thủ tục hành chính mới mà đã cắt giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính hiện hành.
Ngoài ra, tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết quy định về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cân nhắc khi áp dụng cơ chế khoán chi cần có quy định nới lỏng hơn về chứng từ khi quyết toán nguồn kinh phí. Ví dụ: chứng từ về tổ chức hội thảo, khảo sát... Theo đó, kinh phí cho từng hạng mục chi mua sắm vật liệu, mua bán nhỏ lẻ sẽ do người điều hành nhiệm vụ khoa học chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lệ.
Vẫn còn nhiều quy định mang tính thắt chặt
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, mặc dù thời gian qua đã có nhiều sửa đổi để phát triển khoa học, công nghệ nhưng vẫn còn nhiều quy định mang tính thắt chặt. "Vẫn còn tư duy quy định theo kiểu đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối thì rất khó. Thực tế nhiều nhà khoa học khi nhìn các quy định thấy nản, nhất là trong khâu thanh toán".
![ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483731/85e28745b40b5d55041a.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Đối với nội dung khoán chi trong dự thảo Nghị quyết đang đưa ra 8 nội dung khoán chi mạnh hơn Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, với các hướng dẫn cao hơn quy định hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Chính phủ và cơ quan thẩm tra rà soát, có khoán chi mạnh hơn nữa để các đơn vị và các nhà khoa học dành toàn bộ thời gian, tâm huyết chỉ tập trung nghiên cứu khoa học chứ không bị khó khăn trong việc thanh toán tiền nhà nước giao cho.
Nếu làm được khoán chi hơn 10 mục, theo đại biểu cứ mạnh dạn giao để tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ thật sự ấn tượng. Để tránh sự thất thoát, lãng phí, đại biểu cho rằng, có các tổ chức thẩm định khoán chi về nội dung, tài chính giỏi hơn sẽ giải quyết được.